Chuyển tới nội dung

Hàng hóa Việt xuất khẩu sang Malaysia sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ 29/11

Theo kế hoạch, hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP khi xuất khẩu sang Malaysia từ ngày 29/11/2022.

Trước đó ngày 5/10/2022, Malaysia đã chính thức thông báo về việc nước này đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Dự kiến, Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực đối với nước này vào ngày 29/11/2022.

Đánh giá về tác động của việc này đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29/11 tới. Hơn nữa, tuy Việt Nam đã có những hiệp định ký với Malaysia trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+ nhưng với việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP các doanh nghiệp có thể tận dụng nguyên vật liệu của ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất sang 3 thị trường mà ASEAN chưa có FTA là Canada, Mexico và Peru.

Cụ thể, Việt Nam đang nhập từ Malaysia là hóa chất, chất dẻo, nguyên liệu linh kiện điện tử… Doanh nghiệp Việt có thể sử dụng nguyên liệu này làm đầu vào để đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để xuất sang 3 thị trường Canada, Mexico và Peru.

van-tai-bien

Hàng hóa Việt xuất khẩu sang Malaysia sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ 29/11.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt Nam – Malaysia trong 8 tháng năm 2022 đã có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của ta sang Malaysia đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo tin từ Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt hơn các cam kết mà FTA mang lại. Trong đó, chú trọng vào những vấn đề như: Tiếp tục phổ biến các cam kết rộng rãi đến các doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước, bà Phạm Quỳnh Mai nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động phổ biến, tuyên truyền đa dạng theo nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên cơ sở đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19; xây dựng video clip; biên soạn sách và ấn phẩm với nội dung chuyên sâu theo từng lĩnh vực ngành hàng.

Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, trong đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cũng như hệ thống Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu cũng giúp đỡ các doanh nghiệp tránh những rủi ro, bất lợi, tranh chấp có thể phát sinh có thể gặp phải khi thực hiện hoạt động xuất khẩu sang nước ngoài. Đồng thời theo sát tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp để nếu doanh nghiệp có gặp bất kỳ khó khăn nào, Bộ Công Thương cũng sẽ nhanh chóng giúp các doanh nghiệp tháo gỡ.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, ngày 23/12/2020, Bộ Công Thương đã khai trương Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal, tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất thông qua các tính năng quan trọng.

Không chỉ dừng lại ở các FTA đã ký kết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương với các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng mà chúng ta chưa có quan hệ FTA trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa của Việt Nam. Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp. Đặc biệt là thông qua hệ thống thương vụ, cũng như hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời cung cấp những thông tin về diễn biến thị trường giúp cho doanh nghiệp có thể cập nhật sớm và có những biện pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu, hướng tới sự phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Tuấn Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved