Năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc. Trong đó, thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc luôn giữ ổn định ở mức 10,2%.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, năm 2022 nước này đã chi 6,47 tỷ USD để nhập khẩu 1,595 triệu tấn thủy sản từ 109 thị trường, tăng 3,9% về lượng và tăng 12,7% về trị giá so với năm 2021.
Năm 2022, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ thị trường Nga và Việt Nam, trong khi giảm nhập khẩu thủy sản từ Na Uy, Hoa Kỳ, Peru… Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc trong năm 2022, đạt 161,9 nghìn tấn, trị giá 915,8 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 15,3% về trị giá so với năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc ổn định ở mức 10,2%.
Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu khả quan nhưng một số chuyên gia dự báo, trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc sẽ tiếp tục chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế gặp khó khăn.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm và tiêu dùng cá nhân cũng sẽ chậm lại do lãi suất cao. Điều này sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc trong năm 2023. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.
Trước đó, một số chuyên gia từng nhận định, năm 2022 là năm thắng lớn của ngành khi mang về kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. Tuy nhiên, đó là kết quả thành công của 3 quý đầu năm liên tục tăng trưởng dương ở mức cao từ 34 -46% so với cùng kỳ năm trước. Sang quý 4, xu hướng xuất khẩu đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường.
Bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2023 khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Trước những dự báo về khó khăn trong năm 2023, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường.
Tuấn Anh