Đó là cảnh báo của Tổng cục Thủy văn tại hội nghị sơ kết và triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2020-2021từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt trong mùa khô 2020-2021.
“Vì vậy, vụ Đông Xuân 2020-2021, ngoài các khuyến cáo về thay đổi khung thời vụ xuống giống, chủ động xuống giống sớm, đặc biệt là cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra thì cần phải sử dụng giống lúa chất lượng cao cho những vùng không bị ảnh hưởng hạn mặn; sử dụng các giống lúa ngắn ngày, lúa chịu mặn cho các vùng ảnh hưởng hạn mặn thì còn cần các giải pháp đồng bộ trong kỹ thuật canh tác” – đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn khuyến cáo.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ước cả năm 2020 vùng ĐBSCL gieo sạ trên 4 triệu ha lúa, tuy diện tích giảm hơn 27.000 ha; nhưng nhờ năng suất tăng, dẫn đến sản lượng đạt gần 24,5 triệu tấn, tăng 140.000 tấn so với năm 2019.
Tin vui từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm đã đạt trên 5 triệu tấn với kim ngạch 2,46 tỷ USD. Tuy sản lượng giảm gần 1% nhưng kim ngạch tăng 11,41%. Điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu gạo là cơ cấu chủng loại đã và đang chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm chiếm 27,33%, gạo japonica chiếm 3,69%, gạo nếp chiếm 10,13% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu. Khu vực ĐBSCL cung cấp đến 90% lượng gạo xuất khẩu.
Theo khảo sát của Bộ Công thương, giá bán lúa tươi trung bình cho nhóm lúa chất lượng cao và chất lượng trung bình giá biến động từ tháng 7 đến tháng 9 ở mức từ 6.000 đ/kg đến 6.300 đ/kg, trung bình 01 kg thóc, người nông dân có lãi từ 2.479 đ/kg – 2.779 đ/kg. Như vậy, trung bình 1 ha lúa đạt sản lượng 6 tấn/ha, người nông dân có lãi trên 15 triệu đồng.
Ninh Thới