Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Dự kiến ngày 27 và 28/10 Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2023.
Trao đổi với báo chí về các nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm 2023 nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong đó có 2 vấn đề nổi lên là áp lực về lạm pháp và giải ngân vốn đầu tư công.
Đánh giá về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định, có được những kết quả đáng mừng này là nhờ sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương.
Đó là sự tham gia từ sớm, từ xa, xây dựng, ban hành luật pháp, cơ chế chính sách của Quốc hội hỗ trợ cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ. Đó là hiệu quả quản lý, điều hành đất nước của Chính phủ, của bộ máy công quyền cũng như sự tham gia của hệ thống chính trị, của người dân, của doanh nghiệp.
Đánh giá về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng thời gian tới có 2 vấn đề nổi lên là áp lực về lạm pháp và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đại biểu Lâm, áp lực về lạm phát trên thế giới làm cho thị trường hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam gặp khó khăn bởi đồng tiền của các nước mất giá, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mât một số lợi thế cạnh tranh. Lạm phát ở bên ngoài cũng tạo áp lực cho lạm phát trong nước vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Trong năm 2022, Việt Nam đã có nhiều biện pháp pháp ứng phó và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh, điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay rất khó tránh được những tác động của lạm phát từ bên ngoài. Vấn đề đặt ra là cần nhìn nhận sớm dấu hiệu, sớm có phản ứng để xử lý, giải quyết kịp thời.
Đại biểu Trần Văn Lâm nêu ví dụ về việc ban hành và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là một trong những giải pháp tạo nên sự thành công trong kiểm soát kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát và đạt được các thành tựu kinh tế – xã hội. Kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội cuối năm 2022 đã vượt trên so với kỳ vọng khi xây dựng Nghị quyết 43.
Đại biểu Trần Văn Lâm đặt vấn đề, liệu có tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết 43 không? Bởi Nghị quyết 43 có nhiều chính sách về thúc đẩy phục hồi kinh tế – xã hội và tác động rất nhiều đến tỷ giá và tạo sức ép lớn lên lạm phát.
Trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi đã nhận thức rõ áp lực lạm phát lên nền kinh tế – xã hội của đất nước, nên chăng cũng cần xem xét thu gọn một số chính sách theo tinh thần Nghị quyết 43 để tiết kiệm nguồn lực tài chính của đất nước.
Dành nguồn lực, dư địa cho giai đoạn sau, giúp giảm trần nợ công, giảm bội chi ngân sách và giảm áp lực lạm phát. Tương tự, đối với chính sách tài khóa cũng cần tính toán kỹ lưỡng tránh lãng phí nguồn lực.
Thứ hai, giải ngân đầu tư công. Hiện quá trình chuẩn bộ tất cả các dự án theo Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội (hơn 140.000 tỷ theo Nghị quyết 43) đang được triển khai trong năm 2022, theo kế hoạch đến cuối năm nay mới có thể giao vốn và giải ngân trong năm 2023.
Cùng với đó, toàn bộ số vốn đầu tư công 5 năm trong chương trình đầu tư công trung hạn 5 năm của năm 2023 vẫn phải triển khai thực hiện và giải ngân theo quy định.
Đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ lo ngại năng lực giải ngân vốn đầu tư công hạn chế, trong khi năm 2023 số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn. Bài toán đặt ra cần có giải pháp gì để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả.
Bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nguyễn Việt