Thống nhất phương án…

Theo đó, ngày 12/3, tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đại diện lãnh 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển trong thời gian tới và triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

cao_toc_1_1__njwg

Bình Dương và Bình Phước chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển và triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Nằm trong kế hoạch triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, dài 69km với điểm đầu tại ngã tư Bình Phước và điểm cuối là huyện Chơn Thành, dự kiến xây dựng từ 6 đến 8 làn xe, hoàn thành vào năm 2030 với tổng kinh phí trên 24 ngàn tỷ đồng.

Liên quan tới tuyến cao tốc này, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, cho biết hiện trạng sử dụng đất, các tuyến giao thông hiện hữu dự kiến tuyến cao tốc sẽ đi qua trên địa bàn. Theo đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 57km. Trong đó, 28km phải xây trên cao do đi qua các khu dân cư và các tuyến giao thông hiện hữu của tỉnh; dự kiến phải xây dựng 10 cầu vượt. Đoạn qua tỉnh Bình Phước, các bên đề xuất xây dựng 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành dự kiến sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước đánh giá cao tinh thần hợp tác phát triển giữa 2 tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy 2 tỉnh tiếp tục phối hợp hoàn thiện báo cáo sơ kết và phương hướng hợp tác phát triển trong thời gian tới, nhất là giai đoạn 2021-2025.

… để triển khai tuyến cao tốc

Liên quan đến tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, Nguyễn Văn Lợi, cho rằng sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc nắm bắt hiện trạng hướng tuyến, có các đề xuất, thông tin để Bình Phước tiếp tục nghiên cứu những nội dung liên quan trước khi trình các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định.

cao_toc_vluy

Lãnh đạo 2 tỉnh đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ về sự hợp tác phát triển thời gian tới và trong triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cũng đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến cao tốc này, không chỉ đối với sự phát triển 3 tỉnh, thành mà còn có ý nghĩa kết nối giao thông, tạo liên kết vùng, vì sự phát triển của cả khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề nghị các bên tiếp tục nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính khả thi của công trình. Đặc biệt, các ngành liên quan của tỉnh Bình Dương cần tiếp tục rà soát hiện trạng sử dụng đất để tham mưu phương án giải tỏa, đền bù và quy mô, hướng tuyến; Ban cán sự UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu hiện trạng đầu tư của tỉnh để đón đầu dự án, không để bị động và phải đưa vào quy hoạch của tỉnh để tính toán phương án sử dụng đất. Đồng thời, cập nhật, báo cáo kịp thời cho Bình Phước những thay đổi để tỉnh chủ động triển khai thực hiện dự án.

Về phương án triển khai, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cũng thống nhất với việc thay đổi hướng tuyến cao tốc cho phù hợp với quy hoạch chung của các địa phương, Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai xây dựng dự án theo hình thức đối tác công tư có sự tham gia của Nhà nước.

Trước những vấn đề nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh cơ bản thống nhất về hướng tuyến, chiều dài, quy mô tuyến đường và tổng mức đầu tư.

Song song đó, lãnh đạo 2 tỉnh đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ về sự hợp tác phát triển thời gian tới và trong triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.