Chuyển tới nội dung

Hải Dương khai hội, mở vườn thu hái vải xuất khẩu

  • bởi

Sáng 29/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ khai hội, mở vườn thu hái vải xuất khẩu năm 2022 và xuất khẩu các chuyến vải thiều đi các thị trường quốc tế với tổng sản lượng 150 tấn.

Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022.

Ông Bùi Văn Thăng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, vải thiều Hải Dương vốn là đặc sản của vùng đất Thanh Hà và đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý  từ năm 2007. Đến nay, vải thiều Hải Dương được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn khác; đồng thời, kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử: Lazada, Sendo, Voso và Postmart… Thị trường xuất khẩu của vải thiều Hải Dương tập trung các nước như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á…

vna_potal_hai_duong_mo_vuon_thu_hai_vai_xuat_khau_nam_2022_6142013

Cắt băng khai hội, mở vườn thu hái vải xuất khẩu tại Hải Dương

Niên vụ vải năm 2022, Hải Dương có năng suất và sản lượng vượt trội. Với khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng vải dự kiến đạt 60.000 tấn, tăng 10% so với năm 2021. Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.

Theo đó, trà vải thiều sớm có diện tích khoảng 2.750 ha, riêng huyện Thanh Hà có khoảng 1.750 ha với sản lượng ước tính khoảng trên 35.000 tấn. Thời gian thu hoạch từ 5/5 – 10/6. Trà vải thiều muộn có diện tích khoảng 6.200 ha với sản lượng ước tính khoảng trên 25.000 tấn. Thời gian thu hoạch từ 10/6 đến hết tháng 6/2022

 Về thị trường, Hải Dương dự kiến xuất khẩu khoảng 5.000 tấn vải đi các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore, Thái Lan,… khoảng 5.000 tấn; riêng thị trường Nhật Bản xuất khẩu gần 1.000 tấn; xuất khẩu đi các thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc với số lượng khoảng 20.000 tấn.

 Thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, cấp mã số vùng trồng vải để truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, chuyển đổi các vùng vải trồng xen giữa giống vải chính vụ với giống chín sớm thành những vùng sản xuất cùng một giống hoặc cùng nhóm giống có cùng thời gian thu hoạch để thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

 Tỉnh cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ sở, các hộ nông dân nắm được những tiêu chuẩn, quy định về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu; kỹ thuật chăm sóc vải; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ vải.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… Theo đó, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Lâm Tới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved