Chính vì vậy, không khí tấp nập ngày cận Tết biến mất, làng bè nơi đây rơi cảnh vắng lặng.

Cá chết, lồng “treo”

Đi dọc theo khúc sông Nghèn đoạn đi qua xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vào cuối năm không khí vắng lặng lạ thường. Những chiếc lồng bè bị bèo vây kín, nằm ngổn ngang trên sông, lác đác những đứa trẻ đang chơi đùa phía trên triền đê, vài người đàn ông đứng tần ngần nhìn ra phía lồng bè, những người phụ nữ tỉ mẩn đan từng tấm lưới đi vợt những con cá, con tôm…

Ông Nguyễn Văn Đức (trưởng thôn Song Hải) cho biết: “Hơn 10 năm nay, chưa có năm nào khúc sông này lại vắng lặng dịp cận Tết Nguyên đán như năm nay. Chỉ trong một đêm hơn 80 tấn cá của gần 60 hộ nuôi tại khúc sông này chết trắng. Người dân lâm cảnh trắng tay”.

Ông Đức cũng là một trong những người nuôi cá lồng bè nhiều nhất thôn Song Hải với 12 ô lồng. Đầu năm 2019 tôi thả nuôi hơn 2.000 con cá giống chủ yếu là cá chẽm, cá hồng mỹ… Nuôi được gần 9 tháng thì cá chết nổi kín mặt nước. Sau một đêm gia đình anh thiệt hại khoảng 4 tấn cá đang vào kỳ thu hoạch. “Lúc đó cá đạt khoảng 2 – 3kg/con, tôi bàn vợ bán để trả nợ tiền thức ăn nhưng vợ muốn chờ đến Tết, không ngờ chỉ sau một đêm toàn bộ cá chết trắng bè. Thời điểm đó giá cá chẽm khoảng 170 ngàn đồng/kg, ước tính gia đình tôi thiệt hại gần 700 triệu đồng, nếu để đến Tết giá chắc chắn sẽ cao hơn”, anh Đức chia sẻ.

Sau sự cố cá chết hàng loạt, hầu hết người dân đều “treo” lồng

Những năm trước, gia đình ông nuôi theo mô hình cuốn chiếu nên lúc nào cũng có cá bán và để lại khoảng 2 tấn cá bán vào dịp Tết Nguyên đán. Thường vào dịp Tết giá sẽ cao hơn dao động trong khoảng từ 180 – 200 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của ông Đức, mỗi dịp Tết gia đình anh sẽ thu về gần 400 triệu đồng.

Theo người dân, thời điểm này những năm trước, khúc sông chạy qua thôn Song Hải luôn tấp nập kẻ bán người mua. Từ ngày 20/12 đến hết rằm tháng Giêng là thời điểm “vàng” để người dân thu hoạch cá. Thế nhưng năm nay tất cả các lồng gần như trắng cá, người dân vẫn chưa mặn mà tái sản xuất, không khí vắng lặng bao trùm cả khúc sông.

Gia đình anh Nguyễn Văn Bình cũng là một trong những hộ dân thiệt hại nặng nề trong đợt cá chết hàng loạt hồi tháng 9 vừa qua. Toàn bộ 12 lồng cá của gia đình anh đều bị chết trắng, ước tính thiệt hại hơn 4 tấn chủ yếu là cá chẽm, cá hồng mỹ… đang độ thu hoạch. “Công chăm bẵm cả năm trời mong chờ đến ngày thu hoạch, vậy mà chỉ sau một đêm cá chết trắng lồng, người nuôi cũng trắng tay. Giờ các lồng đều “treo” cả, một số người không còn vốn để tái sản xuất, còn một số vẫn e ngại chưa dám thả nuôi lứa mới”, ông Bình buồn rầu.

Vụ cá chết hàng loạt đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng cho bà con vùng nuôi trồng tại thôn Song Hải. Ngay sau khi cá chết, các chuyên gia đã lấy mẫu để kiểm tra và đưa ra kết luận nguyên nhân khiến hơn 80 tấn cá lồng bè trong các ô nuôi trồng chết do sốc ngọt sau mưa lũ.

Làng bè “mất” Tết

Làng bè thôn Song Hải có 64 hộ nuôi cá lồng bè, đây cũng là nguồn thu nhập chính của những hộ nuôi này. Thời điểm này những năm trước, khúc sông này lúc nào cũng rộn vang tiếng cười từ sáng sớm đến tối mịt. Người bán kẻ mua ra vào tấp nập nhiều khi quên cả ăn. Vậy mà năm nay đìu hiu đến lạ.

Sau khi xảy ra việc cá chết hàng loạt, hầu hết những lồng bè này đều đang bỏ không. Nhiều người xót của chỉ biết lặng lẽ đứng nhìn những bè cá bị lớp bèo phủ kín. “Những năm trước đây dịp tết này chúng tôi thu được cả trăm triệu từ cá lồng bè nhưng năm nay coi như trắng tay. Làng bè này chẳng còn ai buồn nghĩ đến tết nữa”, ông Hồ Duy Sáng (thôn Song Hải) buồn rầu.

Những năm trước, thời điểm này người dân đã bắt đầu sắm sửa tết, không khí rộn ràng vui vẻ bao trùm cả vùng, thế nhưng năm nay đìu hiu đến lạ. Để có nguồn thu nhập, một số người dân tranh thủ lái con thuyền nhỏ đi thả mẻ lưới trên khúc sông, những người phụ nữ làm thêm ít nghề phụ như đan lưới… vớt vát chút tiền khi cái Tết đang cận kề. Vừa đan những tấm lưới, bà Nguyễn Thị Hương (thôn Song Hải) chán nản: “Nhiều năm nay, nghề nuôi cá lồng bè là nguồn thu nhập chính của gia đình, chi phí sắm Tết đều trông vào đó cả. Giờ tiền trả nợ thức ăn còn chưa có, tiền mua giống cũng không còn, mỗi ngày đan lưới bán kiếm 100 – 200 ngàn đồng”.

Người dân phải chuyển sang đi thuyền thả lưới trên khúc sông

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Hữu Diệu, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: “Sự cố cá chết đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người nuôi cá lồng bè tại thôn Song Hải, nhất là khi cá chết vào thời điểm gần với Tết Nguyên đán là vụ thu hoạch cá chính của người dân nên người dân không kịp tái sản xuất. Sau khi cá chết, chính quyền xã báo cấp trên xin hỗ trợ người dân Smua cá giống và tỉnh đã có văn bản đồng ý hỗ trợ tiền mua cá giống cho bà con”.

Cũng theo ông Diệu, bên cạnh việc đề xuất hỗ trợ con giống, chính quyền cũng gia hạn giấy phép tàu thuyền, tổ chức các lớp đào tạo nghề… nhằm chuyển đổi nghề từ nuôi trồng cá lồng bè sang các hoạt động ngành nghề khác nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con.