Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho biết, trải qua 02 năm đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, TP. Hà Nội vẫn luôn duy trì mối quan hệ gắn kết với các địa phương trên thế giới và luôn chứng minh là địa điểm đầu tư đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Những khuyến nghị “vàng”

Tại chương trình “Gặp gỡ đại diện thương mại và kinh tế quốc tế tại Hà Nội” do HPA tổ chức mới đây, cùng quan điểm nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc đẩy mạnh kết nối, quan hệ hợp tác hơn nữa với Hà Nội, nhất là giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, bà Mini Kuman, Bí thư thứ nhất đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam nhìn nhận: Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch. Nhưng để phát triển du lịch, Việt Nam – Ấn Độ cần phải chia sẻ thông tin nâng cao nhận thức đối với khách du lịch, đồng thời thực hiện nhiều chương trình để thúc đẩy du lịch…

Mặt khác, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng rất quan tâm đến năng lượng, năng lượng tái tạo (hoá chất, sản xuất y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp bền vững) trong chiến lược phát triển kinh tế của Hà Nội định hướng đến năm 2030.

“Chúng tôi cũng sẽ kết nối các doanh nghiệp Ấn Độ với Hà Nội để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên, tuy nhiên để việc hợp tác đầu tư đạt hiệu quả cao Hà Nội, Việt Nam cần giảm thiểu TTHC”. – bà Mini Kuman nói.

Khẳng định việc Việt Nam là một trong những đối tác tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN, ông Gonzalo Guaiquil, Bí thư thứ nhất đại sứ quán Chile tại Việt Nam bộc bạch: Riêng năm 2021 thương mại song phương Chile – Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD. Hiện Chile đã mở cửa một số nông sản như soài, táo, kiwi.

“Với Hà Nội, Chile cũng sẽ chú trọng mặt hàng cà phê, đồ gỗ, đầu tư du lịch, khách sạn… Một trong những thách thức giữa Chile và Hà Nội đang gặp phải đó là vấn đề về liên lạc thông tin. Tôi hy vọng rằng HPA sẽ là cầu nối để có thể gỡ bỏ những thách thức này”. – ông Gonzalo Guaiquil mong muốn.

Là nước có mối quan hệ lịch sử từ nhiều năm với 450 dự án được đầu tư, trị giá 4 tỷ USD tại Việt Nam, ông Chrístopher David jeffery, Chủ tịch HHDN Anh tại Hà Nội đánh giá: Tiềm năng phát triển giữa Việt Nam và Anh Quốc về môi trường, du lịch, giáo dục, thành phố thông minh, y tế, đầu tư, phát triển năng lượng xanh còn rất lớn. Theo ông Chrístopher David jeffery, một trong những lĩnh vực then chốt mà các doanh nghiệp của Anh quan tâm đó là lĩnh vực ô nhiễm môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

“Chúng tôi rất cởi mở để có thể tiếp tục mối quan hệ hợp tác với HPA để hỗ trợ các công ty của Anh Quốc tới Việt Nam đầu tư và họ có thể chọn Hà Nội trở thành nơi đóng bản doanh như tôi.” ông Chrístopher David jeffery hồ hởi nói.

IMG_9659

ông Nguyễn Minh Hải, Phó Chủ tịch HHDN Châu Âu tại Hà Nội (EuroCham).

Còn ông Nguyễn Minh Hải, Phó Chủ tịch HHDN Châu Âu tại Hà Nội (EuroCham) cho rằng: Để tăng trưởng được đầu tư, thương mại hay du lịch của các nhà đầu tư Châu Âu sang Việt Nam thì, Việt Nam nói chung, Hà Nội nỏi riêng cần tăng cường hơn nữa việc cải cách TTHC; Lập ra danh mục những mặt hàng xuất khẩu chủ lực để phát triển thương mại; Hướng đến chất lượng du lịch. Bên cạnh đó, EuroCham có thể kết nối Hà Nội với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng Châu Âu và kết nối các nhà đầu tư Châu Âu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, điện năng, đường sá, cầu đường…

Cùng quan điểm trên, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) bày tỏ: Amcham đã tổ chức rất nhiều đoàn tới Hà Nội và một câu hỏi ngày càng nhiều người đặt ra đó là, môi trường, năng lượng sạch? Theo đó, Amcham mong muốn, Hà Nội và phía Bắc của Việt Nam có thể giúp cho doanh nghiệp của Mỹ tiếp cận với năng lượng sạch để có thể thu hút được các nguồn đầu tư chất lượng cao. Vì, rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ không được phép mở rộng kinh doanh nếu họ không được tiếp cận với năng lượng sạch.

“Chúng ta có thể dừng sử dụng xe máy gây ô nhiễm và dùng xe đạp điện, xe máy điện. Đây là trách nhiệm của chúng ta để có một bầu không khí sạch hơn tại Hà Nội” Bà Virginia Foote nêu giải pháp.

Tăng trưởng GRDP khoảng 7.5%

Để tăng cường kết nối hơn nữa quan hệ hợp tác với các địa phương trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn TP. Hà Nội tập trung công tác phục hồi và đẩy mạnh kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7.5% năm 2022, ông Dương cho hay, hiện nay Hà Nội thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông 255 dự án và 138 dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi, đê điều, nông nghiệp.

“So với các địa phương khác trong cả nước, TP. Hà Nội luôn đi đầu trong xây dựng và phát triển nông nghiệp thông minh. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội hiện nay chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố, trong đó công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh” ông Dương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dương, trên địa bàn Thành phố hiện có 10 KCN đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1,347,42ha; trong đó, có 09 KCN, với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100% như: KCN Thăng Long, diện tích 274 ha; KCN Nội Bài, diện tích 114ha; KCN Nam Thăng Long, diện tích 31,5 ha; KCN Quang Minh I, diện tích 407ha…

IMG_9662

Bà Mini Kuman, Bí thư thứ nhất đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam

Là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc HPA nhận định: Nhiều năm qua, Hà Nội đã định vị được hình ảnh trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Mục tiêu của thành phố hướng đến phát triển du lịch thực sự bền vững, theo định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Giai đoạn 2021-2025, ngành Du lịch Hà Nội đề ra những nội dung chiến lược đột phá chia thành từng cụm như cụm du lịch trung tâm Hà Nội (phát triển du lịch văn hóa, di sản, du lịch ẩm thực); cụm du lịch vùng ven đô (phát triển du lịch MICE, du lịch thể thao, giải trí) và cụm du lịch vùng ngoại thành (phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, trải nghiệm, học đường…).Trong đó, Du lịch golf là một trong những loại hình đang được chú trọng phát triển.

Ngoài ra, Thành phố cũng tập trung tăng cường hợp tác phát triển những lĩnh vực khác như giáo dục, y tế; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; tạo lập môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Ánh Dương lý giải, những nâm qua chính quyền TP. Hà Nội xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô,
được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Chính quyền Thành phố luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động làm việc trong doanh nghiệp.

“Với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, chính quyền TP.Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố”. – ông Dương khẳng định.

Nguyễn Minh