Lịch sử nghìn năm văn hiến với kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị đã giúp Hà Nội trở thành vùng đất hội tụ tinh hoa trăm nghề.
Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Thủ đô sở hữu hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm 1/3 cả nước), hội tụ 47/52 nghề truyền thống của Việt Nam.
Sản phẩm từ các làng nghề của Hà Nội có tính sáng tạo cao, đa dạng, độc đáo, tinh xảo, giàu bản sắc văn hóa. Có thể kể đến như: đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, nghề mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, thêu Quất Động…. Đặc biệt, sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng… đã được công nhận là thương hiệu quốc gia.
Các sản phẩm của làng nghề Hà Nội đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt, thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng…
Thủ công mỹ nghệ của Hà Nội được đánh giá là ngành đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Thành phố, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này hiện đang mang lại giá trị gia tăng lớn và được xác định là ngành hàng tập trung phát triển trong những năm tới. Đây đồng thời là ngành được kỳ vọng sẽ “tạo cảm hứng”, tạo động lực, có tính tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khác của Thủ đô.
Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong các lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Một loạt giải pháp đã và đang được thành phố triển khai cho mục tiêu phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa, như: tăng cường tư vấn, trợ giúp thông tin cho cơ sở công nghiệp nông thôn, tập trung đầu tư, hỗ trợ các làng nghề truyền thống có tiềm năng, lợi thế thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực thiết kế sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế. Thành phố cũng tập trung hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm các làng nghề truyền thống; gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch văn hóa; thúc đẩy hình thành Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm và phát triển công nghiệp văn hóa tại các quận, huyện, thị xã; quy hoạch, bảo tồn làng nghề; đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá giá trị nghề thủ công truyền thống…
Hoàng Yến