Chuyển tới nội dung

Hà Nội: Người dân huyện Mê Linh lao đao vì nông sản không có người mua

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân lâm vào cảnh trắng tay khi nông sản chẳng có người thu mua, đành phải vứt bỏ hàng tấn cà chua, củ cải… để lấy đất trồng vụ mới.

Tại huyện Mê Linh (Hà Nội), nhiều nông dân phải nhổ bỏ cà chua, củ cải… dù đã bỏ ra biết bao công chăm sóc. Phóng viên cho hay, nguyên nhân chính của việc nông sản không được tiêu thụ là vì dịch bệnh khiến việc vận chuyển hàng hóa đến các địa phương gặp nhiều khó khăn. COVID-19 cũng làm cho nhiều doanh nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể dừng hoạt động, kéo theo các chuỗi cung ứng thực phẩm sụp đổ.

Nếu như trước đây, những quả cà chua chín đều đã được thu hoạch, thì giờ đây bị bỏ mặc trên cây hoặc chín rụng đầy gốc. Nhiều hộ dân thậm chí đã chặt bỏ cả gốc cây để cây chết sớm, quả rụng nhanh hơn.

Suốt hơn 2 tháng nay, sào cà chua nhà ông Lương Chiến Tuyến (xã Tráng Việt – huyện Mê Linh – Hà Nội) không bán được 1 quả nào, vặt bỏ là cách tốt nhất cho lứa quả mới phát triển cũng là để chờ cho dịch bệnh lắng xuống.

me2-16147923602102052155649

Người dân đã phải nhổ bỏ cà chua, bỏ mặc chín đầy gốc vì giá rẻ, không có người mua (ảnh: báo VTV)

Dịch bệnh nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, cây cối vẫn phải sinh sôi phát triển. Ruộng củ cải trước nhổ bỏ chưa xong thì ruộng sau hạt đã lên mầm. Vụ Đông Xuân thất thu vì COVID-19, nhưng vụ Hè Thu cũng vẫn phải gắng gượng gieo trồng vì người nông dân thì chỉ biết trông vào mảnh ruộng, còn dịch bệnh lại chẳng có gì dự báo trước.

Anh Thực ở thôn Đông Cao, Mê Linh cho biết, anh đồng ý bán củ cải cho thương lái với giá 1,2 triệu đồng một sào nhưng họ vẫn kì kèo xin bớt và chỉ mua củ nhổ chưa lên có ngồng hoa. “Tiền bán không đủ tiền thuê dọn lại ruộng, nên tôi quyết định vứt hết cho xong”.

Mỗi sào ruộng (360 m2) trồng củ cải, trung bình người dân đầu tư 3 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc hơn hai tháng. Nếu được giá, anh Thực thu được khoảng 6 triệu đồng mỗi sào, rớt giá thì hòa vốn, còn năm nay mất trắng.

me1-16147923044611028973608

Hàng tấn củ cải chất đống, chở đi đổ (ảnh: Internet)

Cách đó không xa, ruộng cà chua của bà Nguyễn Thị Xuân, 68 tuổi, quả chín rụng đỏ gốc. Các con đều đi làm ăn xa, còn hai vợ chồng bà làm 2 sào ruộng. Năm nay, giá xuống còn 1.200 đồng mỗi kg, tiền bán không bằng tiền thuê hái. “Thôi đành cho cà chua rụng tự nhiên rồi ủ thành phân cho đỡ xót”, Bà Xuân xới đất lấp những quả cà chua đỏ mọng lăn lóc dưới luống.

Bãi tiêu hủy rau của thôn Đông Cao nằm ven sông Hồng, củ cải, cà chua đổ la liệt, bắt đầu thối rữa, bốc mùi. “Tình trạng rau, củ quả ùn ứ xảy ra từ trước Tết Nguyên đán. Đến nay trên địa bàn còn tồn đọng 200 tấn củ cải, 100 tấn cà chua; người dân đã tiêu hủy khoảng 5-6 tấn củ cải và cà chua quá lứa, không sử dụng được”, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Đông Cao, cho hay.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết toàn huyện có 355 ha trồng cây rau các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê, Tráng Việt, Thanh Lâm. Diện tích rau các loại vụ đông năm 2020 đang trong giai đoạn thu hoạch khoảng 700 ha, sản lượng hơn 14.500 tấn.

Hiện Mê Linh còn khoảng 6.000 tấn nông sản chưa tiêu thụ được. Huyện đang phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu các đơn vị thu mua, điểm hỗ trợ tiêu thụ để người dân phục hồi sản xuất.

 

Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved