Hằng năm, sát ngày cúng ông Công ông Táo, chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại tấp nập, ồn ã, mua bán xuyên đêm vì người dân, thương lái đổ về đây mua cá chép đỏ, loại cá được quan niệm dân gian coi là phương tiện giúp ông Công ông Táo về trời.
Theo đó, từ 2h sáng 31/1 (21 tháng Chạp), chợ cá Yên Sở đã thu hút hàng trăm tiểu thương đổ về để nhận cá chép đỏ được vận chuyển từ các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Nam Định…về rồi phân phối cho các chợ dân sinh, siêu thị tại Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị May, tiểu thương kinh doanh tại chợ cá Yên Sở cho biết: “Tôi nhập cá từ Nam Định, Thái Bình lên, chất lượng cá chép đỏ năm nay cũng đẹp hơn, màu sắc bắt mắt hơn. Tuy vậy, do cung vượt cầu nên giá cá chép đỏ năm nay rẻ hơn so với mọi năm”.
“Giá cá chép đỏ những năm trước đắt nhất phải được 100.000 – 250.000 đồng/kg nhưng năm nay loại đẹp chỉ được giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, những loại không chọn thì 60.000 đồng/kg”, chị May nói.
Vẫn theo chị May, dù sắp đến ngày ông Công, ông Táo nhưng sức mua tăng chậm, một phần vì năm nay ngày ông Công, ông Táo rơi vào ngày thường nên người tiêu dùng không cầu kỳ như năm ngoái. Một phần vì kinh tế khó khăn nên mọi người cũng có tâm lý tiết kiệm hơn.
Tết ông Công ông Táo là một trong những dịp lễ quan trọng trước Tết Nguyên Đán. Theo phong tục, Tết ông Công ông Táo sẽ được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp (tức 23/12 âm lịch), hàng năm. Theo lịch vạn niên, ngày ông Công ông Táo năm 2024 rơi vào Thứ Sáu ngày 2 tháng 2 dương lịch, thuộc tiết Đại hàn trong 24 tiết khí.
Theo phong thủy, đây là ngày Thanh Long Kiếp, có ý nghĩa là ngày lành thuận lợi cho việc xuất hành các hướng, các việc làm đều đạt kết quả tốt đẹp. Vậy nên, có thể xem ngày ông Công ông Táo 2024 là thời điểm thích hợp để các gia đình thực hiện nghi lễ truyền thống này.
Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình.
Người xưa cũng cho rằng, sau khi nghe Táo quân bẩm báo, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt gia chủ. Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình, người ta thực hiện nghi lễ cúng ông Táo để các ông “nói tốt” cho nhà mình.
Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Tùy vào phong tục từng miền, cũng như quan niệm từng vùng nên mâm lễ cúng ông Táo, ông Công có phần khác nhau. Mâm cỗ cúng ông Táo luôn đầy ắp màu sắc, với mong muốn một năm sung túc.
Tú Anh