Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp khẩn với các Vụ Thị trường trong nước, Quản lý thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ về các biện pháp đảm bảo nguồn cung trong nước, ổn định thị trường hàng hóa, chiều ngày 7/3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp khẩn với  Vụ Thị trường trong nước, Quản lý thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ, chiều ngày 7/3. Ảnh: Nguyễn Việt

Ngoài ra, cần phải tính đến những tình huống bất ngờ, dẫn đến một bộ phận người tiêu dùng bị tác động, mua hàng hóa tích trữ. Thậm chí tính cả những phương án xấu như cách ly sẽ kéo dài, lan rộng nhằm đảm bảo nguồn cung. “Tất cả chúng ta, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối đều phải vào cuộc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Mua đủ số lượng cần dùng

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kể cả các nước phát triển đã xảy ra chuyện này, tích trữ quá nhiều sẽ gây quá tải cục bộ, đặt ra bài toán chuẩn bị cho các doanh nghiệp. Có tính đến yếu tố cách ly cả khu dân cư lớn hơn thì áp lực cung ứng hàng hóa như thế nào.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thái Dũng – Tổng giám đốc BRG Retail cho biết, doanh nghiệp đã tăng gấp 5 lần nguồn cung so với ngày thường. Siêu thị này cũng hạn chế mỗi khách hàng được mua 2 lít dầu, 5 kg gạo, 2 thùng mì tôm… để tránh hiện tượng mua gom hàng hoá. Đơn vị này đã phát hiện một số tư thương mua gom 120 chai nước rửa tay (khoảng hơn 6 triệu đồng), và từ chối phục vụ.

Ông Dũng đề nghị, báo chí cần thông tin kịp thời để người tiêu dùng yên tâm về nguồn cung hàng hóa rất đầy đủ. Việc mua bán quá tập trung sẽ khiến hệ thống bán lẻ bị ảnh hưởng, bị quá tải, do đó, người dân nên mua đủ số lượng cần dùng, không nên vì tâm lý tích trữ, mua gom hàng hoá.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, tại BigC Thăng Long, lượng hàng hóa được siêu thị đáp ứng liên tục, không gián đoạn, tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu như thịt cá, đồ đông lạnh, gạo, dầu ăn…để phục vụ khách mua hàng ở mức cao nhất. Riêng hôm nay (7/3) đã tăng 4 lần nguồn hàng thực phẩm tươi sống.

Chúng tôi đã làm việc với Canada, Brazil về nhập khẩu thịt lợn, chỉ trong đầu tuần tới lượng thịt sẽ về tới Việt Nam, bổ sung thêm nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước. Để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, BigC sẽ, mở cửa sớm từ 7h sáng đến 12h đêm và cam kết không tăng giá sản phẩm, bà Phương thông tin.

Đại diện siêu thị Co.opmart chia sẻ, từ đầu mùa dịch đến nay, hệ thống siêu thị này đã dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị lên tới 500 tỷ đồng tại cả 3 tổng kho lớn trên cả nước, đồng thời cam kết không tăng giá hàng hóa.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, từ khi dịch COVID-19 diễn ra, bộ đã triển khai nhiệm vụ đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường trên cơ sở đề nghị doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung thiết yếu, đàm phán đơn vị cung ứng hàng phòng chống dịch bệnh… “Hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ. Nhiều hệ thống đã điều nguồn hàng về Hà Nội, tăng tần suất giao hàng và tăng nhân lực, làm thêm ca đêm, nên người dân không cần thiết phải mua hàng tích trữ”, ông Đông nói.

Dự trữ đủ cho 5.000 người cách ly

Dự báo nhu cầu người dân sẽ tăng, các siêu thị có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung. BigC tăng 3 lần lượng hàng dự trữ tại kho, Saigon Co.op tăng 50%, Vinmart tăng từ 30-50%. Các nhà cung ứng đều có kế hoạch đảm bảo nguồn cung thực phẩm như gạo, mì, thực phẩm, sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng và không để xảy hiện tượng găm hàng, sốt giá…

Bà Trần Thị Phương Lan – Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, việc người dân đổ xô tới các siêu thị tại Hà Nội mua đồ tích trữ chỉ là hiện tượng cục bộ khi tâm lý người dân hoang mang trước thông tin Hà Nội có ca nhiễm đầu tiên.

Bà Lan cho biết, ngay khi công bố dịch, Hà Nội vẫn đang triển khai bình ổn thị trường với hơn 31.000 tỷ đồng, nên đơn vị phân phối ở thành phố vẫn có lượng hàng đầy đủ, tăng nguồn hàng hóa đến 30-50%. Sở làm nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, nên thường xuyên rà soát giá cả nhằm có điều phối cho kịp thời về sản lượng hàng hóa; dự trữ hàng hóa đủ cho 5.000 người cách ly, phân bổ lượng hàng như dầu ăn, trứng, muối, gạo… giao cụ thể cho từng đơn vị. Trường hợp lượng mua hàng của người dân tăng gấp 1,5-2 lần thì nguồn hàng của các hệ thống phân phối theo Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội vẫn đáp ứng đủ. Hà Nội cam kết đủ hàng, không ngày nào thiếu để người dân phải dự trữ, bà Lan khuyến cáo.

Đơn cử, ngay trong buổi sáng 7/3 các hệ thống siêu thị đã bổ sung ngay nguồn hàng từ các kho dự trữ lân cận. Cụ thể, Vinmart đã vận chuyển hàng 3 lần từ kho về các hệ thống trên toàn thành phố. Coopmart Hà Nội cũng lập tức chuyển hàng trong đêm tại các kho ở Bắc Ninh phân phối cho các siêu thị trực thuộc.

Vẫn theo bà Nguyễn Thị Phương, doanh nghiệp đã chủ động tăng 300-400% hàng dự trữ, đặc biệt là nhu yếu phẩm như gạo, mì, giấy vệ sinh. Hiện nay, hệ thống siêu thị chỉ thiếu cục bộ khi khách hàng đến đông đông, như hôm nay (7/3) siêu thị ghi nhận bán tới 16.000-17.000 đơn hàng. Số người đi vào siêu thị nhiều đến mức nhân viên không thể di chuyển để lấy hàng được.

Khi tâm lý tiêu dùng khách hàng hoang mang, chúng tôi phải làm việc với nhà cung cấp, hộ nông dân, hợp tác xã. Bình thường hàng thực phẩm tươi sống chỉ giao hàng 1 ngày một lần thì ngày hôm nay giao đến 4 lần, bà Phương cho biết.