Tối ngày 26/4, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức khai mạc lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai và đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ VHTT&DL.
Sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID-19, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022 chính thức được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Đây là một trong những hoạt động nhằm tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Hà Giang, góp phần thực hiện các giải pháp phục hồi ngành du lịch sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Trong khuôn khổ lễ hội, từ ngày 25 – 27/4 sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản văn hóa sắc dân tộc tại Hà Giang như: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương và lễ cầu duyên tại miếu Ông, miếu Bà ở xã Khâu Vai; Lễ cầu an tại sân Mê cung đá xã Khâu Vai.
Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống tại khu vực Mê cung đá và trung tâm xã Khâu Vai cũng được tổ chức, gồm: Trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc; hát dân ca dân tộc Nùng; hát dân ca dân tộc Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô; múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, xã Xín Cái; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc…
Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực của địa phương ngay tại các địa điểm tổ chức lễ hội.
Tham gia lễ hội, người dân, du khách được trải nghiệm các hoạt động như: Khám phá thung lũng hoa tam giác mạch, hoa Sao nhái tại Mê cung đá (xã Lũng Pù, Khâu Vai); khám phá, chinh phục tuyến đi bộ Vách đá thần Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ngắm hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh cầu tình yêu tại Mê cung đá, xã Khâu Vai…
Tại Lễ khai mạc, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã quyên góp hộ chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang với số tiền trên 25 tỷ đồng.
Cũng trong dịp này, “Chợ Phong lưu Khâu Vai” và Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bà Triệu Thị Tình – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thông tin: “Lễ hội năm nay sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, tổng đạo diễn cũng như tỉnh đã khai thác toàn bộ giá trị văn hóa, đặc biệt là tái hiện lại câu chuyện nàng Út và chàng Ba để cho du khách đều biết đến câu chuyện đã diễn ra trên 100 năm trước, một câu chuyện đã gắn liền với văn hóa đồng bào các dân tộc ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc nói riêng.
Bên cạnh đó sẽ diễn ra lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà. Đây là một nghi lễ không thể thiếu được và năm nay rất đặc biệt là sẽ có 27 lễ chính tại khu vực miếu Ông, miếu Bà và 13 lễ của mười ba thôn bản được dâng lên miếu Ông, miếu Bà.
Lễ hội lần này là một hoạt động thiết thực để thực hiện chủ trương mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới. Hà Giang cũng kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan trải nghiệm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hà Giang”, bà Tình nói.
Chợ Phong Lưu Khâu Vai nằm tại bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 180 km, ở cuối con đường đèo. Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Tương truyền, khi xưa, tại khu vực xã Khâu Vai có Chàng Ba và Nàng Út đem lòng yêu nhau nhưng không đến được với nhau do trai người Nùng không thể lấy gái người Giáy làm vợ. Họ quyết định bỏ bản, trốn lên Đèo Mây để gặp nhau nhưng do dân làng phản ứng, hai người phải trở về. Dù không thể trở thành vợ chồng nhưng họ thề mỗi năm vào ngày 27/3 âm lịch, sẽ gặp nhau trên Đèo Mây để ôn lại tình cảm xưa.
Theo phong tục của người dân nơi đây, trong ngày và đêm diễn ra Chợ Phong Lưu Khâu Vai, vợ chồng không được ghen tuông, mỗi người đều có quyền đi tìm lại tình yêu cũ của mình. Người chồng thắp một nén hương ở miếu Bà để mong Bà tìm giúp người yêu cũ; người vợ thắp một nén hương lên miếu Ông, cầu Ông cho tìm được người yêu cũ. Các cặp trai gái đến với nhau ngồi bên gốc cây, tảng đá, mời nhau chén rượu, hát những bài ca giao duyên, xen lẫn những tiếng kèn lá, tiếng sáo, tiếng cười, tiếng nói rì rầm… tạo ra một không gian tình yêu và niềm vui.
Hiện nay, do kết hợp cùng các hoạt động văn nghệ, quảng bá văn hóa địa phương nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày. Phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch và hoạt động đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống.
Phương Anh