Mục đích để khách mua sắm qua mạng có thể hình dung ra bộ quần áo sẽ trông như thế nào ở đủ kiểu tư thế trước khi mua. Đây là tính năng mới của Google Shopping vừa ra mắt tuần này.
Trong tính năng này, Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) sẽ lấy hình ảnh của quần áo rồi ướm thử lên người mẫu. Không chỉ ướm thử đơn thuần, AI cố gắng dự đoán quần áo sẽ được hiển thị như thế nào trong từng tư thế khác nhau của người mẫu, mô phỏng đúng cả các nếp gấp, bóng đổ, v.v..
Động lực đằng sau tính năng thử đồ mới là muốn khách hàng có thể tự tin hơn khi mua sắm online. Trong một bài blog, bà Lilian Rincon, giám đốc cấp cao về sản phẩm mua sắm của Google, nhận định rằng khi mua ở ngoài cửa hàng, người dùng có thể thử trực tiếp quần áo và biết được mình có phù hợp với chúng hay không.
Thế nhưng nếu mua online thì lại khác. Một cuộc khảo sát cho thấy 42% khách hàng mua sắm online cảm thấy ảnh mẫu mặc không thể phản ánh được món đồ đó trên cơ thể họ sẽ ra sao. Ngoài ra, có 59% người tiêu dùng không hài lòng với hàng trực tuyến vì chúng khác với mong đợi. Công nghệ thử đồ ảo ra đời nhằm mục đích khắc phục những thiếu sót này.
Tính năng này dựa trên mô hình diffusion mà Google tự phát triển. Các mô hình này được huấn luyện để loại bỏ những thông tin nhiễu khỏi hình ảnh, dần dần tiến đến gần hơn với mục tiêu cuối cùng.
Trong quá trình đào tạo mô hình, Google sử dụng nhiều cặp ảnh. Mỗi cặp gồm một người mặc đồ ở hai tư thế duy nhất. Chẳng hạn một ảnh người đó mặc áo đứng nghiêng, còn ảnh kia là đứng thẳng. Để bảo đảm mô hình thông minh hơn, ví dụ có thể vượt qua những “góc chết” về điểm nhìn như nếp gấp méo mó, Google lặp đi lặp lại quá trình này bằng cách sử dụng các cặp ảnh quần áo và người ngẫu nhiên.
Sau khi Google Shopping chính thức ra mắt tính năng thử đồ ảo này, người dùng ở Mỹ có thể thử các mẫu áo nữ từ nhiều thương hiệu, chẳng hạn Anthropologie, Everlane, H&M và LOFT. Tính năng thử đồ cho áo nam sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
Dĩ nhiên Google không phải là bên tiên phong cho công cụ mặc thử đồ ảo. Amazon và Adobe từng thử nghiệm mô hình trang phục tạo sinh. Hoặc Walmart từ cuối năm trước cũng ra mắt tính năng trực tuyến dùng hình ảnh của khách hàng để ướm thử lên quần áo. Hay startup AIMIRR tiến xa thêm một bước, sử dụng công nghệ kiến tạo trang phục theo thời gian thực để phủ hình ảnh về quần áo lên video trực tiếp của người dùng.
Bản thân Google trước đây cũng có công nghệ dùng thử đồ trang điểm ảo. Theo đó, họ hợp tác với các thương hiệu như L’Oréal, Estée Lauder, MAC Cosmetics, Black Opal và Charlotte Tilbury và cho phép người dùng có thể thử nhiều mỹ phẩm trên nhiều tông da khác nhau.
Tuy nhiên khi AI tạo sinh lấn sân sang thời trang, nó lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới người mẫu. Họ cho rằng công cụ này sẽ càng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn tồn tại từ lâu trong giới, cũng như khiến họ mất công ăn việc làm.
Trước đó, Levi’s từng thử nghiệm một công nghệ AI cho phép người dùng tạo ra một người mẫu với những đặc tính tùy theo ý thích. Họ phản biện rằng công nghệ sẽ giúp người dùng có thể nhìn được sản phẩm trên nhiều người mẫu đa dạng loại hình hơn. Tuy nhiên Levi’s lại không thể trả lời được câu hỏi vì sao họ lại chọn AI, chứ không chọn cách thuê thêm nhiều người mẫu với những đặc tính đa dạng.
Trong bài blog của mình, bà Rincon nhấn mạnh rằng Google sử dụng người mẫu thực, với nhiều kích cỡ từ XXS đến 4XL, cũng như nhiều sắc tộc, màu da, hình dáng cơ thể và kiểu tóc. Nhưng một lần nữa thứ quan trọng lại bị phớt lờ đi. Đó là liệu tính năng mới này có khiến người mẫu mất đi nhiều mối chụp ảnh hay không.
Ngoài tính năng thử đồ ảo, trong đợt cập nhật lần này, Google còn tung ra tính năng các bộ lọc dựa vào AI và thuật toán so khớp trực quan. Khi đó, người dùng có thể giới hạn phạm vi tìm kiếm trên các cửa hàng của Google Shopping bằng cách cài đặt những thông tin đầu vào, chẳng hạn màu sắc, kiểu dáng hoặc họa tiết.
Quân Bảo