Amazon đang phát triển mạnh mảng quảng cáo, “nồi cơm” của Google. Tất nhiên, Google không thể ngồi yên.
Khi đại dịch mở ra nhu cầu mua hàng trực tuyến lâu dài, nhiều đối thủ cạnh tranh của Google đã kiếm hàng núi tiền nhờ thương mại điện tử thì ông lớn Google cũng quyết không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này.
Từ tháng 4 vừa qua Google đã triển khai dịch vụ Google shopping cho phép kết nối các nhà bán lẻ sản phẩm với khách hàng. Khách hàng sau khi tìm kiếm sản phẩm qua Google có thể trực tiếp đặt mua tại đây mà không cần chuyển đến website của nhà bán lẻ hay… Amazon. Dịch vụ ban đầu được triển khai ở Mỹ và dự kiến sẽ mở rộng ra toàn cầu đến cuối năm nay.
Không dừng lại ở đó, Google một lần nữa cho thấy sự nỗ lực tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử khi hợp tác với các nhà cung cấp bên thứ ba – cho phép các nhà bán lẻ có nhiều lựa chọn hơn ngoài nền tảng của mình. Trong đó nổi bật là việc tăng cường quan hệ đối tác với Shopify – một trong những gã khổng lồ thương mại điện tử nổi tiếng thế giới với hệ thống điểm bán lẻ và cửa hàng trực tuyến.
Google sẽ giúp 1,7 triệu người bán hàng trên nền tảng này tiếp cận người mua sắm dễ dàng hơn qua hệ sinh thái của mình bao gồm thanh tìm kiếm, bộ phận mua sắm trực tuyến, dịch vụ phân phối Google Express và cả trợ lý ảo Google Assistant.
Thông báo này được đưa ra trong hội nghị dành cho các nhà phát triển phần mềm, Google I/O, vào thứ Ba vừa qua. Công ty không cung cấp nhiều thông tin chi tiết về việc tích hợp nhưng nổi bật là việc họ cho phép các doanh nghiệp trên nền tảng thương mại điện tử Shopify xuất hiện trên Google Tìm kiếm, Bản đồ, Ống kính, Hình ảnh và YouTube “chỉ với một vài cú nhấp chuột”.
Theo Google, điều này sẽ giúp sản phẩm của các nhãn hàng trên Shopify dễ hiển thị đến khách hàng hơn qua nhiều nền tảng khác nhau của Google.
“Chúng tôi tin rằng bạn xứng đáng có được sự lựa chọn tốt nhất và chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới việc mua sắm theo từng bước,” Bill Ready, chủ tịch thương mại và thanh toán của Google cho biết. Có vẻ như ông đang ám chỉ tới Amazon.
Đặc biệt, Google đã công bố những cải tiến khác cho chức năng thương mại điện tử của mình chẳng hạn như trình duyệt Chrome của Google sẽ hiển thị liên tục các giỏ hàng khi mọi người mở tab mới, vì vậy họ có thể quay lại mua sắm sau khi thực hiện các tác vụ khác.
Cổ phiếu của Shopify sau sự kiện này tăng 4% trung bình và thường kết thúc phiên giao dịch ở mức tăng 3% mỗi ngày
Trong một bài đăng trên blog, công ty cho biết, “Khi chúng tôi loại bỏ các rào cản như phí và cải tiến công nghệ của mình, chúng tôi đã thấy kích thước danh mục sản phẩm của mình tăng 70% và người bán trên nền tảng của chúng tôi tăng 80%”.
Động thái này cho thấy Google “dồn lực” cho Shopify để tăng cường nỗ lực cạnh tranh với Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chiêu này để đáp lại việc Amazon cũng đang đẩy mạnh cạnh tranh với Google về quảng cáo, ăn lẹm “nồi cơm” của Google. Khi đối thủ trực tiếp Shopify mạnh lên, Amazon bắt buộc phải dồn thêm lực quay về mảng thương mại điện tử để giữ thị phần, dẫn tới lơ là mảng quảng cáo.
Tháng trước, giới quan sát dự kiến Amazon sẽ chiếm được 19% thị phần quảng cáo trực tuyến trong năm nay, so với khoảng 57% của Google. Nhưng sắp tới, trước pha ‘chọc sườn’ này của Google, Amazon có lẽ phải hạ bớt tham vọng mảng quảng cáo của mình mà quay về bảo vệ thị phần thương mại điện tử.
Quân Bảo