Chuyển tới nội dung

Gợi ý mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của ba miền Bắc – Trung – Nam

Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch là một trong những ngày lễ tết truyền thống của Việt Nam và một số nước châu Á. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài côn trùng gây hại cho cây trồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và được coi là chất bổ dưỡng.

Tết Đoan Ngọ là dịp mọi người dùng bữa với gia đình. Vào sáng sớm, người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp để giết sâu bọ, loại trừ bệnh tật trong người. Thường mọi người ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy. Trong đời sống hiện đại, một số tập tục cổ xưa của ngày Tết Đoan Ngọ gần như đã biến mất, như nhuộm móng tay đỏ, hái lá thuốc… Tuy nhiên, truyền thống làm mâm cúng Tết Đoan Ngọ vẫn luôn được duy trì ở các gia đình. Đây  là dịp để con cháu khắp nơi trở về sum họp, đoàn tụ gia đình.

Tùy theo phong tục của mỗi vùng miền, địa phương mà mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ sẽ khác nhau. Dưới đây là gợi ý mâm cỗ cúng của 3 miền Bắc – Trung – Nam:

Mâm cỗ cúng của người miền Bắc

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người miền Bắc thường chuẩn bị những lễ vật sau để dâng cúng gia tiên, thần linh:

– Cơm rượu nếp. Đây là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.

– Mâm ngũ quả: Mận, vải, xoài, dưa hấu

– Bánh tro (bánh gio). Bánh tro hay bánh gio là món bánh đặc trưng trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ của người miền Bắc.

Tết đoan Ngọ

Mâm cỗ cúng của người miền Bắc.

Ngoài ra, tùy vào mỗi gia đình mà lễ vật sẽ có thêm những món khác nhau. Ví dụ có gia đình sẽ chuẩn bị thêm lễ mặn như gà xôi, có nhà sẽ thêm bát xôi chè…

Mâm cỗ cúng của người miền Trung

Khác một chút so với người miền Bắc, miền Trung sẽ có thêm thịt vịt trong mâm cúng. Cụ thể:

– Thịt vịt. Thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ thường là vịt luộc hoặc vịt quay.

– Chè hạt sen, chè hạt kê

– Hoa quả theo mùa

– Cơm rượu nếp

vit1_w_660

Thịt vịt được ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ tại miền Trung.

Mâm cỗ cúng của người miền Nam

Người miền Nam chịu ảnh hưởng không ít của văn hóa Trung Hoa vì thế ít nhiều có sự khác biệt so với 2 miền Bắc và Trung. Dưới đây là những lễ vật cúng ngày Tết Đoan Ngọ:

– Bánh ú bá trạng

– Chè trôi nước

– Xôi gấc

– Trái cây

– Cơm rượu nếp

ảnh

Mâm cỗ cúng người miền Nam thường có chè trôi nước.

Ngoài những lễ vật trên, mâm cúng của cả 3 miền đều có thêm hương, hoa, trà, vàng mã và trầu cau. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà lễ vật dâng cúng sẽ có sự khác nhau. Dù lễ lớn hay lễ nhỏ thì tấm lòng thành kính của gia chủ vẫn là điều quan trọng nhất.

Đoan Ngọ nghĩa là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.

Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây.

Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày ‘Tết diệt sâu bọ’, có người gọi là ‘Tết Đoan Ngọ’, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ. Từ đó, dân gian thường cúng ngày Tết Đoan Ngọ bằng một số món ăn và hoa quả phổ biến theo mùa như: rượu nếp, nếp cẩm, bánh tro, mận, vải…

Tú Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved