Đảm bảo nguồn cung thông qua giải pháp tái đàn theo hướng bền vững, đồng thời đa dạng nguồn cung là những giải pháp cần thiết để thị trường thịt lợn có thể tự điều tiết theo thị trường…
Giá thịt lợn tại siêu thị và chợ dân sinh đứng im trái với yêu cầu và cam kết hạ nhiệt trước đó của các doanh nghiệp. Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra dẫn đến tổng thiệt hại mất 20% về số lượng, khối lượng thiệt hại mất 9,3 % khối lượng. Dịch bệnh gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đây là nguyên nhân thứ nhất khiến giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho hay, giá thịt lợn chưa thể giảm nhanh do số lượng doanh nghiệp cam kết giảm giá thịt chỉ chiếm khoảng 35% thị phần. Đặc biệt, nhiều khâu trung gian đã ảnh hưởng giá thành. Như vậy, câu chuyện thì tưởng mới nhưng hóa ra nó vẫn là hệ quả của tình trạng quản lý cũ: Giá nông sản, thực phẩm ở nơi sản xuất thì thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì thành giá “cắt cổ”.
Trong khi cơn sốt thiếu hụt nguồn cung trong nước chưa thể hạ nhiệt, giải pháp nhập khẩu thịt lợn được đưa ra. Giá thịt lợn nhập khẩu cao nhất từ các thị trường có thuế nhập khẩu cao như Ba Lan (15% thuế nhập khẩu), Canada (9% thuế nhập) cũng vẫn thấp hơn 30% giá thịt lợn trong nước. Còn với những quốc gia được hưởng ưu đãi thuế 0% thì giá thịt lợn đông lạnh khi ra thị trường còn rẻ hơn nữa. Thực tế tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so cùng kỳ năm 2019. Các nguồn chính cung cấp thịt lợn cho Việt Nam là: Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65%, Nga 2,62%.
Tuy nhiên, con đường của thịt lợn nhập khẩu đến tay người tiêu dùng vẫn còn khá xa. “Do số lượng thịt lợn nhập khẩu còn ít nên hầu như không bán trong siêu thị, chưa tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng mà chủ yếu cung cấp cho các đơn hàng đặt trước (thường ký kết từ 3 – 4 tháng)”, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết. Nguyên nhân cũng được cho là do đa số người tiêu dùng vẫn giữ thói quen ăn thịt tươi, “nóng” nên cũng không mặn mà với loại hàng đông lạnh ngoại quốc này.
Thực tế, trao đổi với DĐDN, Đại diện siêu thị Big C (Central Group) cho biết, hệ thống Big C miền Bắc không bán thịt lợn đông lạnh nhưng miền Nam có bán và số lượng ít dưới 1%. Còn theo đại diện hệ thống siêu thị MM (Mega Market), MM đang phân phối các sản phẩm chân lợn, thịt vai, sườn lợn xuất xứ Châu Âu, Châu Mỹ nhưng số lượng ít, chỉ chiếm 2%. Như vậy, khi các kênh tiêu thụ chính là các siêu thị vẫn thờ ơ với sản phẩm này, các chợ dân sinh lại càng “vắng bóng”.
Đáng nói hơn, các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng để đưa thịt lạnh về nước cũng rất gian nan. “Doanh nghiệp đặt số lượng thịt hơn 1.100 tấn từ tập đoàn của Miratorg Nga nhưng thực sự giao đến nay chỉ mới hơn 200 tấn do hàng về phải được kiểm nghiệm thú y từng container hàng”, đại diện Công ty TNHH Nhiêu Lộc chia sẻ.
Chưa bao giờ chúng ta phải “cầu cứu” các doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá lợn hơi trong lịch sử ngành chăn nuôi lợn. Đó là một sự đau xót, nếu không muốn nói là thất bại của những nhà làm chính sách. Trước đây, các doanh nghiệp có muốn giảm giá hay tăng giá cũng phải nhìn vào thị trường mà điều chỉnh, bởi khi đó, chúng ta có 8 triệu hộ chăn nuôi lợn. Còn giờ, doanh nghiệp đã áp đảo, 35% sản lượng thịt lợn của thị trường có thể là con số thống kê chưa đầy đủ, các doanh nghiệp đã chính thức dẫn dắt được thị trường sau đợt dịch tả lợn vừa qua.