Theo Bộ Công Thương, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang 3 lớp tại Việt Nam với năng lực trên 1,24 triệu chiếc/ngày, 2 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang N95 với năng suất 32.000 chiếc/ngày, năng suất này có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

Các doanh nghiệp đang chạy đua sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường.

Mở rộng sản xuất

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, một số doanh nghiệp trong Tập đoàn dù chuyên sản xuất các sản phẩm dệt may nhưng đã sẵn sàng sản xuất và cung cấp khẩu trang với giá tương đương chi phí sản xuất để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ.

Dự kiến trong 10 ngày tới, Tập đoàn sẽ cấp phát miễn phí nửa triệu chiếc khẩu trang tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố nơi có nhà máy, doanh nghiệp sản xuất.

Công ty Dệt kim Đông Xuân cũng không đứng ngoài cuộc khi sản xuất khẩu trang bằng vải dệt kim có 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoản 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch.

Nguyên liệu hoàn toàn do Công ty tự chủ sản xuất và tăng công suất lên 8-10 tấn/ngày, mỗi tấn vải có thể sản xuất được khoảng 40.000 chiếc khẩu trang.

Giá bán lẻ sản phẩm là 7.000 đồng/chiếc. Hiện Công ty có thể mở rộng quy mô gấp 6 lần từ 50.000 chiếc/ngày ở thời điểm hiện tại lên 300.000 chiếc/ngày.

Khơi thông nguyên liệu

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay trong sản xuất khẩu trang là nguồn nguyên liệu. Bởi vì, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu. Hàn Quốc và Nhật Bản khan hiếm, không có hàng để bán và xuất khẩu. Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu. Châu Âu bán nguyên liệu với giá rất cao. Trong khi đó, với các nước còn lại, doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguyên liệu hoặc nếu có, giá rất cao.

Trước thực trạng nói trên, Bộ Công thương cho biết đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại các thị trường Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ… để cung ứng đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các đơn vị cũng cần nỗ lực, cố gắng, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, đồng thời thực hiện chặt chẽ việc cung ứng, để đẩy lùi tình trạng găm hàng.

Ngoài ra, để hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để công nhận sản phẩm khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong việc phòng chống dịch cúm Corona…