Mỗi người đi chùa hay đi dự lễ hội đầu năm cần tạo cho mình một hình ảnh đẹp. Trong lòng cũng đừng làm, đừng nghĩ những điều không đẹp, không tốt.
Người Việt Nam ta thường coi trọng sự bình an, may mắn cho gia đình, cho người thân nên thường thì ngày vào dịp Tết và sau Tết thì hay đến chùa chiền để cầu mong cho bản thân và gia đình mình được yên ổn và may mắn.
Vì thế, sau mỗi dịp Tết là nhiều người trong gia đình hoặc cơ quan, công sở cũng thường rủ nhau đến với những ngôi chùa lớn, những ngôi chùa được xem là linh thiêng để mong muốn điều tốt đẹp đến với mình, với mọi người.
Tuy nhiên, việc đi chùa như thế nào để an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến công việc chung và ứng xử với nhau ra sao thì đôi khi nhiều người lại chưa chú trọng và dẫn đến những điều chưa hay, chưa đẹp ở chốn linh thiêng trong những ngày đầu năm.
Ngày nay, gần như địa phương nào cũng có những ngôi chùa, có thể là chùa có từ xa xưa, được truyền tụng là thiêng liêng, cũng có thể chùa mới được các doanh nghiệp tư nhân hay xã hội hóa để xây dựng trong những năm gần đây.
Cùng với việc đi chùa thì người dân cũng đến với những lễ hội văn hóa thường được tổ chức trong tháng Giêng.
Vì thế, những ngày Tết và sau Tết thì những dòng người đến với những nơi này thường rất đông đúc. Trong những ngôi chùa, những lễ hội như thế thường đặc kín những dòng người viếng thăm, tham quan.
Trong dòng người đến với chùa chiền, lễ hội, có những người đến vì cầu mong sự may mắn, có những người đến chỉ để vui chơi, đi theo phong trào, đi để giết thời gian, đi vì được một ai đó mời mọc, tài trợ. Nhất là đối với nhiều bạn trẻ thường đến để thăm viếng, vui chơi, chụp hình để làm kỉ niệm là chính.
Vì vậy, nhiều khi chốn chùa chiền hay lễ hội thì chúng ta bắt gặp nhiều những hình ảnh chưa đẹp, những hành động thiếu kiềm chế cảm xúc và cả cách ăn mặc có phần phản cảm đối với những người xung quanh.
Chuyện đi lễ chùa hoặc tham dự các lễ hội văn hóa năm nào báo chí cũng đưa tin về những hành động quá khích nơi chốn đông người, đặc biệt là những địa điểm như thế này là thường được xem là nơi linh thiêng nhưng chúng ta vẫn bắt gặp những hình hình ảnh gây gổ, đánh nhau, rượt đuổi nhau của một số thanh niên.
Có thể là hành động một số nhóm thanh niên có hiềm khích với nhau từ trước hoặc khi gặp nhau nơi chốn lễ hội đầu năm đã phát sinh mâu thuẫn và gây gổ đánh nhau tạo nên những hình ảnh chưa đẹp, gây sợ hãi cho mọi người xung quanh.
Đặc biệt là có những trường hợp đã để lại những hậu quả nghiêm trọng cho những người khi tham gia gây gổ với nhau.
Nhiều người có thói quen là thường mang theo đồ ăn và thức uống có ga khi đi chùa nên khi gặp một số vấn đề nảy sinh đã không kiểm soát được bản thân.
Đặc biệt, một số trường hợp khi tham gia giao thông thường có những hành động chưa đẹp, khi vào lễ hội, chùa chiền thường chen lấn, xô đẩy tạo nên những hành động chưa phù hợp.
Trong khi, những chùa chiền lại thường hay được xây dựng lên những ngọn núi, đỉnh đồi cao nên đường xá đi lại khó khăn.
Vì thế, tình trạng xô đẩy, chen lấn càng tạo nên khung cảnh phức tạp, ngột ngạt cho người tham gia viếng chùa, hay tham gia lễ hội.
Điều chưa đẹp và có phần hớ hênh, chưa phù hợp còn thể hiện ở cách ăn mặc của một số chị em phụ nữ khi đến với những đền chùa hoặc lễ hội gây nên sự phản cảm ở chốn tôn nghiêm.
Những chiếc áo mỏng, những chiếc váy khoe da thịt gây nên sự chú ý, tò mò và cả sự ái ngại đối với nhiều người cùng tham dự.
Nhưng, hình như nhiều chị em vẫn chưa chú trọng điều này và năm nào chúng ta cũng phải chứng kiến nhiều hình ảnh được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, lên mạng xã hội, tạo nên sự ngao ngán cho nhiều người.
Và, dĩ nhiên những hình ảnh này sẽ bị mọi người lên án, chê trách.
Những dịp lễ hội, cũng viếng chùa chiền cũng là lúc lượng người tập trung về đây để buôn bán nhiều hơn. Vì ngày Tết nên họ cũng giành giật đưa đón khách, chặt chém du khách khi mua hàng. Những vật cúng tế được mua đi, bán lại nhiều lần để dâng lên thần thánh.
Cảnh cúng thuê, cúng mướn cũng tạo ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Vàng hương, hàng mã được đốt khắp nơi, tiền lẻ được ném xuống giếng, xuống ao, được đặt, được nhét khắp người các pho tượng, rác thải, chai nước, túi ni lông được ném vương vãi khắp nơi.
Rồi tình trạng du xuân, hái lộc tạo làm cho những cành cây đang đang mơn mởn xanh, đang đâm chồi nảy lộc bị vặt lá, bẻ cành… Rõ ràng, những hình ảnh đó chưa đẹp ở những nơi tôn nghiêm.
Khi đến với các ngôi chùa thì tình trạng mê tín dị đoan cũng được thể hiện ở việc xin săm, xin quẻ bói.
Nhiều ngôi chùa, những thầy bói ngồi khắp nơi bởi nhu cầu của mọi người trong ngày Tết cũng tăng lên.
Nhiều nhà chùa bây giờ cũng đứng ra nhận tiền để giải hạn cho người dân…trong khi chức năng, vai trò của nhà Phật lại hoàn toàn không phải vậy.
Có lẽ, ai cũng biết việc đến với chùa chiền, lễ hội là đến với chốn linh thiêng hoặc chúng ta đến với cội nguồn của văn hóa dân tộc.
Vì thế, mỗi người đi chùa hay đi dự lễ hội đầu năm cũng cần tạo cho mình một hình ảnh đẹp. Trong lòng cũng đừng làm, đừng nghĩ những điều không đẹp, không tốt.
Đến với chùa chiền, lễ hội đầu năm là để mong cầu sự may mắn, tốt lành cho bản thân, cho gia đình mình thì việc đầu tiên mình phải làm việc tốt, phải thể hiện được sự tôn kính và lịch sự với mọi người, với cảnh vật và môi trường xung quanh.
Đi cầu may mắn, an lành mà trong lòng không trong sáng, áo quần như đi diễn thời trang, ăn nói bỗ bã và có những hành động không đẹp, cách ứng xử không đúng, không văn minh thì có lẽ cũng chẳng có thánh thần nào phù hộ nổi.
Vì thế, mỗi người cần tạo cho mình một hình ảnh đẹp thì chúng ta không chỉ xây dựng được nét đẹp văn hóa cho người Việt mà còn góp phần quảng bá cho bạn bè quốc tế về nét văn hóa của người Việt Nam trong những ngày đầu năm mới.
Nguyễn Văn Khánh