Đây là yêu cầu quan trọng bởi chính sách này có tác động đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có doanh thu từ 750 triệu euro (tương đương 850 triệu USD). Trước thời điểm chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực thực thi, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia chịu tác động trực tiếp từ chính sách mới này đều chờ đợi các biện pháp phi thuế để có phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Những ưu đãi đầu tư khác được chờ đợi khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực để “giữ chân” nhà đầu tư và tiếp tục thu hút FDI chất lượng cao

Tức là nghiên cứu những ưu đãi đầu tư khác phù hợp để “giữ chân” và gia tăng vị thế của các nhà đầu tư đang hoạt động cũng như các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam. Đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao hơn và hướng tới việc chúng ta có tham gia liên kết sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với những ngành nghề, lĩnh vực như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…

Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, để đạt mục tiêu trên, Việt Nam cần xử lý đồng bộ nhiều vấn đề. Đó là, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác; thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu này một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Cùng với đó, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh Việt Nam thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực củng cố niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Tích lũy trong nhiều năm cũng dần cạn, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động hoặc thậm chí phải ngừng hoạt động. Theo TS Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp trợ lực đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao chất lượng dịch vụ công, hoàn thiện và nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động đối thoại, trao đổi với nhà đầu tư, doanh nghiệp cần đảm bảo thực chất; giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe.

TS Nguyễn Minh Thảo – Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Chính quyền cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, có thể thông qua hỗ trợ một số gói giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai toàn diện hơn, thực chất hơn các dịch vụ công trực tuyến; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Trong thời gian tới, biến động chính trị và kinh tế thế giới, doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu các tác động bất lợi. Áp lực và thách thức dường như vẫn đè nặng doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương. Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước cho thấy cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó giúp địa phương và nền kinh tế phục hồi và phát triển.