Để sẵn sàng, đảm bảo chất lượng đưa vải thiều ra thế giới, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung xây dựng các vùng sản xuất vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Việt Nam là xứ sở nhiệt đới, bốn mùa đều có hoa thơm và trái ngọt, trong đó, vải thiều từ lâu không những đã trở thành món ẩm thực đặc sản được nhiều khách phương xa hâm mộ mà còn là sứ giả của hòa bình và hữu nghị, từng được lựa chọn như một vật phẩm đặc sắc để phục vụ các hoạt động bang giao quốc tế.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện 17 Hiệp định thương mại tự do. Với năng lực tốt về nguồn cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông sản thế giới.
Nếu như kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD thì đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung và vải thiều nói riêng vươn xa trên thị trường thế giới.
Được biết đến là “Thủ phủ vải thiều” của Việt Nam với vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước, khoảng 28.000 ha ông Phan Thế Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 08 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia). Đây cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Theo ông Tuấn, toàn tỉnh có diện tích vải sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.400 ha, sản lượng đạt khoảng 125.000 tấn. Vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 102 ha, sản lượng trên 1.000 tấn. Trong đó, sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU và các thị trường tiềm năng khác. Duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218 ha, sản lượng khoảng 1.600 tấn. Sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với 35 mã vùng trồng, diện tích 269,45 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn…
Ông Tuấn cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân Bắc Giang ngày càng nâng lên, nên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước và đến nay có thể khẳng định, chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay. Với các đặc trưng riêng có quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước.
Đối với thị trường tiêu thụ, ông Tuấn chia sẻ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, thị trường nào cũng đóng vai trò quan trọng, cả trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, vải thiều Bắc Giang luôn được kết nối ổn định, tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các chợ đầu mối hoa quả trong cả nước. Với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang duy trì xuất khẩu sản phẩm quả vải tươi và vải thiều chế biến. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Những ngày này, tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang, hoạt động thu mua vải thiều bắt đầu sôi động. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành khảo sát và liên kết tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra rất thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao” ông Tuấn cho biết thêm.
Là địa phương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Ông Trần Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ, toàn tỉnh Hải Dương trồng khoảng 9.000ha vải, sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 60.000 tấn. Có khoảng 50% sản lượng vải thiều của tỉnh được tiêu dùng trong nước, khoảng 40% sản lượng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và 10 % sản lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật, Mỹ, Châu Âu…
Để sẵn sàng, đảm bảo chất lượng đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà ra thế giới, từ nhiều năm nay, tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung xây dựng các vùng sản xuất vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu quả Vải thiều trên thị trường thế giới.
Vải thiều là cây trồng có giá trị xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh Hải Dương, đã góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng trong nước và quốc tế; sản phẩm vải thiều của Hải Dương đã được xuất khẩu đến trên 20 nước, trong đó có một số thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…
Chia sẻ về tiềm năng phát triển và chính sách hỗ trợ người dân, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường chiếm 91% kinh ngạch xuất khẩu vải thiều Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn có các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE… Tại đây, chúng ta cũng đã phát triển và từng bước tạo nên thương hiệu nhất định.
Dương Thành – Bảo Loan