“Hoàng cung giao hòa” là chương trình nghệ thuật do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tối 29/6 tại sân điện Thái Hòa.
Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong không gian Hoàng cung, chương trình “Hoàng cung giao hòa” mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật gồm những bài múa hát cung đình như: Phụng vũ, Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, tiểu nhạc Long ngâm…
Hoàng cung Huế xưa là trung tâm triều chính, là nơi sinh hoạt của Hoàng đế và hoàng gia triều Nguyễn. Thuở ấy, Nhã nhạc du dương bay bổng lan khắp các lâu đài, miếu mạo uy nghiêm cổ kính. Âm sắc ấy nương theo các lễ nghi và nghi tiết cung đình tại Kinh đô mà lan xa mãi.
Những khúc điệu từ chốn Hoàng cung xưa ngày nay vẫn còn đó, ấy là trầm tích văn hóa. Theo thời gian, những làn điệu, âm sắc Hoàng cung hòa vào không gian của văn hóa Huế mà thành từ, thành câu, thầm thì cùng tâm hồn của biết bao thế hệ.
Từ âm sắc hoàng cung chuyển sang âm sắc các bài tân nhạc là một dòng chảy mang tính tiếp biến lịch sử. Kể từ khi âm nhạc Huế bắt đầu ngân lên những âm hưởng mới, đã xuất hiện nhiều các ca khúc được viết về Huế, về sông Hương núi Ngự của các nhạc sĩ trong cả nước. Đặc biệt là những ca khúc sử dụng âm điệu cổ truyền Huế nhưng đem lại cảm xúc và phương tiện biểu hiện mới hơn.
Phần hai chương trình với tên gọi “Giao hòa sắc Huế” trình diễn những ca khúc Huế xưa trong không gian lung linh trữ tình từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa. Khán giả lắng đọng với những ca khúc ngọt ngào về xứ Huế mộng mơ như: Tà áo tím, Thần Kinh thương nhớ, Tiếng Sông Hương, Chiều cố đô, Ai ra xứ Huế…
Lễ hội hoa đăng Festival Huế 2022 do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với BTC Festival Huế 2022 cũng diễn ra vào tối 29/6 tại Nghinh Lương Đình.
Tăng ni, Phật tử, quan khách tham dự đêm hội đã thả xuống dòng sông Hương 20.000 ngọn hoa đăng. Nghi lễ thả hoa đăng cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới thoát nạn chiến tranh – thiên tai – dịch bệnh, chúng sanh an lạc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế.
Nơi đây còn là trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo lớn của miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, trong đó Phật giáo là tôn giáo có vai trò, ảnh hưởng lớn trong đời sống người dân cố đô Huế và trở thành một bộ phận văn hóa tinh thần, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Huế, con người Huế.
Trên tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong tư tưởng “hộ quốc an dân”, nhiều năm qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã cùng Tăng ni, Phật tử tỉnh nhà tổ chức nhiều hoạt động Phật sự thiết thực, ý nghĩa, “ích đạo, lợi đời” thông qua các lễ hội Phật giáo truyền thống, bao gồm các lễ hội trong các dịp Festival.
Ngân An