Tổng dư nợ cho vay trung- dài hạn của VPBank tại thời điểm cuối tháng 6/2020 đạt 176.197 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cuối năm 2019. 

Tín dụng trung- dài hạn tăng nhanh

Hiện đã có khá nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 2/2020. Bên cạnh các con số về tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận, nợ xấu…, một điểm rất đáng chú ý nữa đó là dư nợ tín dụng trung- dài hạn của hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh, khiến tỷ trọng tín dụng trung- dài hạn/tổng dư nợ hầu như không có sự cải thiện so với thời điểm cuối năm 2019.

Đơn cử như VPBank, tổng dư nợ cho vay trung- dài hạn tại thời điểm cuối tháng 6/2020 đạt 176.197 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cuối năm 2019. Vì thế, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn/tổng dư nợ của nhà băng này gần như không có cải thiện, ở mức 65,2% tại thời điểm cuối quý 2/2020 so với 65,3% tại thời điểm cuối năm 2019.

Tương tự tại VIB, dư nợ cho vay trung- dài hạn cũng tăng thêm gần 4.588 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm lên 93.727 tỷ đồng cho dù tỷ trọng tín dụng trung- dài hạn/tổng dư nợ giảm nhẹ từ mức 69% tại thời điểm cuối năm 2019 về còn 68% vào cuối tháng 6.

Thậm chí tại không ít ngân hàng như LienVietPostbank, tín dụng trung- dài hạn tăng nhanh cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay trung- dài hạn của ngân hàng này tăng thêm 12.788 tỷ đồng lên 110.162 tỷ đồng; tỷ trọng tín dụng trung- dài hạn/tổng dư nợ vì thế cũng tăng từ 69,3% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 72% vào cuối tháng 6/2020.

Theo một chuyên gia ngân hàng, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng; trong khi đó các ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay mới, bao gồm cả cho vay trung – dài hạn. “Nợ cũ chưa thu hồi được, trong khi nợ mới vẫn tăng đã đẩy dư nợ trung- dài hạn tăng”, vị chuyên gia này cho biết.

Chưa kể, việc các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN cũng khiến không ít khoản vay từ ngắn hạn trở thành trung – dài hạn. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến ngày 22/6, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258 nghìn khách hàng với dư nợ gần 177 nghìn tỷ đồng.

Giãn lộ trình là hợp lý

Theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/10 tới đây, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung- hạn và dài hạn của các nhà băng sẽ được giảm tiếp về còn 37%, thay vì mức 40% như hiện tại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc dư nợ tín dụng trung- dài hạn đang có xu hướng tăng nhanh trong những tháng đầu năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khả năng tuân thủ quy định này của các ngân hàng.

Vì lẽ đó, NHNN đang đề xuất việc giãn lộ trình này, với phương án 1 là thêm 6 tháng và phương án 2 là 9 tháng. Cụ thể tại dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN đang được NHNN lấy ý kiến đóng góp, theo phương án 1, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn 40% như hiện nay sẽ được kéo dài tới hết tháng 3/2021, thay vì đến hết tháng 9 năm nay; tỷ lệ 37% được áp dụng từ ngày 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022; tỷ lệ 34% được áp dụng từ 1/4/2022 đến hết ngày 31/3/2023 và từ 1/4/2023 với giảm còn 30%. Còn với phương án 2, các mốc thời gian được đẩy lui tới 12 tháng so với quy định hiện tại.

Giới chuyên gia cho rằng, đề xuất này là hoàn toàn hợp lý, bởi nếu cơ quan quản lý vẫn “kiên định” với lộ trình này có thể làm gia tăng áp lực huy động vốn của các ngân hàng, từ đó tạo sức ép tăng lãi suất huy động, kéo theo tăng lãi suất cho vay.

Trong một báo cáo vừa phát hành mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng, lãi suất huy động vẫn sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2020 khi tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ hồi phục và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Thực tế cũng đã cho thấy, trước khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn được giảm về còn 40% từ đầu năm 2019, giai đoạn cuối tháng năm 2018 đã diễn cuộc đua huy động vốn trung- dài hạn, đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao; thậm chí không ít ngân hàng còn phát hành giấy tờ có giá với lãi suất cao ngất ngưởng.

Bởi vậy, không ít chuyên gia lo ngại tình trạng trên sẽ lại tái diễn, nếu tiếp tục siết thêm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn trong bối cảnh dư nợ cho vay trung- dài hạn có xu hướng tăng nhanh trong những tháng đầu năm. “Việc NHNN xem xét giãn lộ trình siết tỷ lệ này để không ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cũng như tạo điều kiện cho các ngân hàng tích cực hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch là hoàn toàn hợp lý”, một chuyên gia cho biết và khuyến cáo nên giãn lộ trình thêm 12 tháng do dịch bệnh vẫn chưa biết khi nào mới được khống chế.

Hà Anh