Giảm thuế VAT – giảm áp lực đầu giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong thời gian tới.

Một số quốc gia trong khu vực đã và đang áp dụng chính sách này và đạt được tốc độ tăng trưởng GDP khá tốt.

Trợ lực hiệu quả

Kết thúc năm 2022, chính sách giảm thuế VAT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ hết hiệu lực cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có kiến nghị tiếp tục thực hiện giảm thuế đến hết năm 2023. Ảnh hưởng của kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với khó khăn khi nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều có dấu hiệu giảm.

Đặt lên bàn cân những mặt được và chưa được nếu tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế VAT trong bối cảnh trên, câu trả lời nhận được là khá rõ ràng. Giảm thuế VAT, cả doanh nghiệp và người dân giảm bớt nỗi tăng giá hàng hóa, giảm áp lực đầu vào kích thích tiêu dùng hiệu quả và thúc đẩy sản xuất. Đặc biệt, với doanh nghiệp, năm 2023 khi “cơ thể” đang hồi phục sau đại dịch COVID-19 lại được dự báo chịu tiếp tác động của “cơn gió nghịch” thì chính sách tài khóa hỗ trợ, trong đó chủ đạo là trợ lực từ chính sách thuế được xem là liều thuốc giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong thời gian tới. Doanh nghiệp qua đận khó khăn, sức khỏe tốt hơn, có doanh thu ổn định sẽ duy trì việc làm, thu nhập cho lao động và đóng góp cho nguồn thu ngân sách từ các loại thuế gián thu khác. Nền kinh tế cũng khỏe hơn.

Năm 2022, đánh giá tác động của việc giảm thuế VAT tới thu ngân sách ở thời điểm ban hành chính sách, Bộ Tài chính đã dự kiến ngân sách có thể giảm thu khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế con số thấp hơn nhiều lần do Chính phủ sử dụng tốt và hiệu quả các công cụ quản lý thuế hiệu quả; đồng thời thu ngân sách tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy, giảm thuế cũng là cách để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu ngân sách.

Kích thích hiệu ứng lan toả

Từ góc độ thực thi, doanh nghiệp đánh giá, trong các chính sách tài khoá, giảm thuế VAT tạo tác động trực tiếp cho nền kinh tế, có tính lan toả và dễ triển khai. Khi chính sách có hiệu lực, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay từ việc giảm thuế. Doanh nghiệp giảm chi phí thực thi, không cần qua các khâu xét duyệt thủ tục hồ sơ hay các điều kiện ngặt nghèo. Không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ được hưởng lợi trực tiếp, việc giảm thuế còn hiệu lực lan toả tới doanh nghiệp ở những lĩnh vực liên quan tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ có cung cấp hàng hoá dịch vụ đang áp thuế VAT 10% nếu hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ được quy định. Hơn nữa, khi nền kinh tế khởi sắc, người dân có tích luỹ sẽ tăng tiêu dùng và đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác, có thể không hoặc ít được hưởng lợi hơn từ việc giảm thuế VAT.

Trong quá trình thực thi tại doanh nghiệp, ban đầu có một số khó khăn trong kê khai, tính thuế hay vướng mắc trong quản lý, theo dõi nộp thuế do còn lúng túng trong việc xác định sản phẩm, hàng hoá được thụ hưởng giảm thuế. Những bất cập này sau đó đã được tháo gỡ, việc thực thi chính sách giảm thuế VAT ổn định hơn. Đây là tiền đề, kinh nghiệm tốt để triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn chính sách giảm thuế trong doanh nghiệp, tránh những tác động không mong muốn gây mất thời gian, công sức do các thủ tục hành chính liên quan đến thuế.

Vấn đề doanh nghiệp mong muốn, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, các cơ quan chức năng có phương án giảm thuế đồng bộ ở các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến chuỗi cung ứng để thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện. Bởi lẽ trong chuỗi, có những mặt hàng không được giảm thuế nhưng lại sử dụng hàng hoá đầu vào được giảm thuế khiến cho doanh nghiệp bán hàng được giảm thuế nhưng doanh nghiệp mua hàng bị tăng thuế… Ngoài ra, trong trường hợp chỉ áp dụng giảm thuế với một số hàng hoá, dịch vụ, cần có hướng dẫn, phân loại cụ thể để doanh nghiệp dễ thực hiện, không gây nhầm lẫn vì thời gian thực hiện giảm thuế không quá dài, kéo dài trong nửa cuối năm nay.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hadico