Sau một năm thực hiện lời kêu gọi toàn dân chống rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.
Việt Nam có gần 2,5 triệu tấn rác thải nhựa/năm
Sáng ngày 5/6/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6/2020). Ngày Môi trường thế giới năm 2020 với một thông điệp mạnh mẽ, đó là “Time for Nature” – Hành động vì thiên nhiên. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, 2020 là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, hạn chế rác thải nhựa…
Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn ở Việt Nam, theo thống kê, mỗi hộ gia đình trung bình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Không chỉ vậy, thế giới cũng đang phải đối mặt với khoảng 4,8 – 12,7 triệu tấn từ lục địa đổ vào các đại dương mỗi năm. Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.
Việt Nam chung tay cùng “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilong”
Để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ rác thải nhựa và túi nilon, năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa ngày 9.6.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong xử lý, tái chế chất thải nhựa và phát triển các sản phẩm, vật liệu thay thế, thúc đẩy nhanh nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. “Tôi yêu cầu các viện, trường, nhà khoa học, các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ về vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế chung tay hành động chống rác thải nhựa nhất là rác thải nhựa đại dương vì sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại và các quốc gia trên thế giới” – Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Đến nay sau 1 năm, phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Đặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về biện pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa.
Trong Thư kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ gửi đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng bào cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh: “Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể, như: Thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị. Ngay bây giờ, chúng ta hãy chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra…” |
Thùy Dương