Người lao động đóng BHXH 15 năm sẽ được nhận lương hưu

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được lấy ý kiến đến tháng 4/2023, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Đến thời điểm hiện tại, Dự thảo sửa đổi Luật (BHXH) vẫn đang nhận được nhiều góp ý thiết thực từ các chuyên gia, chủ doanh nghiệp, cho đến người dân, lao động vì nó liên quan đến quyền lợi sát sườn của các bên liên quan. Đáng chú ý có đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm cho người lao động.

Điều kiện đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu 45% từng được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2006, sau đó nâng lên 20 năm trong Luật sửa đổi năm 2014 nhằm cân đối Quỹ hưu trí. Và với đề xuất trong Dự thảo luật sủa đổi này lao động quay về đóng 15 năm BHXH sẽ hưởng lương hưu thấp, song được Chính phủ nâng định kỳ để bù trượt giá, hưởng bảo hiểm y tế miễn phí.

Dưới góc nhìn quản lý, ông Nguyễn Duy Cường – Vụ phó BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giải thích kỹ hơn về Dự thảo Luật BHXH sửa đổi với đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm rằng: “Đề xuất này không phải dành cho số đông mà hướng tới lao động tham gia hệ thống an sinh muộn. Cụ thể là người 40-45 tuổi mới bắt đầu đóng BHXH hoặc đóng ngắt quãng, không tích lũy đủ năm để hưởng lương hưu”.

Qua đó, người đóng BHXH 15 năm thì mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là không có, ngoài ra còn có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Tiền hưu trí hầu như đều được Chính phủ điều chỉnh hàng năm dựa trên mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và khả năng cân đối của ngân sách.

Một lợi ích khác đó là, rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH 1 lần.

Hiện trạng rút BHXH một lần ngày một gia tăng thời gian qua.

Tức là, nhiều người khi không đủ điều kiện hưởng hưu trí phải rời khỏi hệ thống bằng cách rút BHXH 1 lần, nên việc giảm số năm đóng là rất tốt. Khi giảm số năm đóng BHXH, dù có mức hưởng lương hưu thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, ngoài việc giảm năm đóng sẽ cần nhiều chính sách khác đi kèm, hướng tới một hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt. Giảm năm đóng chỉ là điều kiện tối thiểu, nhưng vẫn cần khuyến khích người lao động có nhiều năm tham gia BHXH để có mức lương hưu cao.

Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng nhấn mạnh: “Trong các chính sách an sinh xã hội cần tính đến nhiều yếu tố, đưa ra giải pháp đồng bộ, thậm chí mức tiền lương đóng BHXH cũng là vấn đề nên được xem xét sửa đổi lần này”.

Thực tế cho thấy, lương hưu trong tương lai phụ thuộc vào mức lương căn cứ đóng BHXH hiện tại. Tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH hiện nay hơn 30%, nhìn thì cao nhưng doanh nghiệp tách lương làm nhiều khoản, mức lương làm căn cứ đóng quá thấp sau này lương hưu không thể khá.

Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất là đảm bảo chính sách BHXH đa dạng, đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế và trên hết là đảm bảo quyền lợi chính sách an sinh cho người lao động. Do đó, cần phải “bịt” lỗ hổng này để đảm bảo người lao động được tham gia BHXH với mức phù hợp, khi về già lương hưu đủ sống.

Hơn nữa, tuổi nghề và tuổi hưu của lao động đang có khoảng cách lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Chẳng hạn, một bộ phận lớn công nhân nữ độ tuổi 40 bị thu hẹp việc làm hoặc phải chuyển nghề. Khi tuổi nghề hết, tuổi hưu chưa tới thì lao động thà rút BHXH một lần rồi tính tiếp chứ không chờ đến lúc lĩnh lương hưu.

Một vấn đề quan ngại cần lưu ý đúng mực đó là gần đây Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhận định Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2019, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số và đến 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” vào 2036.

Do đó, để giữ người lao động ở lại lưới an sinh, thay đổi chính sách để BHXH trở nên hấp dẫn hơn với người lao động, là điều chắc chắn phải làm, nhưng chưa đủ. Câu chuyện tổng thể còn cần được nhìn thấy ở các khía cạnh như tạo cơ hội việc làm cho những lao động tuổi trung bình nhưng đã đủ 20 năm đóng bảo hiểm, đảm bảo điều kiện hưởng lương hưu, trong khi để chờ nhận được khoản trợ cấp hưu trí thì phải chờ tới cả 10 năm sau – đó là nỗi băn khoăn lớn của nhiều lao động hiện nay.

Chính vì vậy, điểm mấu chốt để giảm nhẹ gánh nặng an sinh do người rút bảo hiểm gây ra trong tương lai là tạo ra các cơ hội ngay từ bây giờ, để khoản trợ cấp một lần không phải là lựa chọn đầu tiên và duy nhất họ nghĩ đến khi mất việc.

Sông Hàn