Mở rộng đối tượng hỗ trợ giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp là vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn cao điểm chống dịch hiện nay.

“Cuộc chiến” đang bước vào những ngày cực kỳ căng thẳng khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội gần như “đóng băng” hoàn toàn. Cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Chia sẻ áp lực

Trong bối cảnh ấy, người dân, cộng đồng doanh nghiệp đều đang nỗ lực chia sẻ khó khăn với Chính phủ.

Giá xăng, giá gas đã giảm kỷ lục và giờ là lúc dịch vụ công như điện, nước có các giải pháp để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đáp ứng, đảm bảo an sinh xã hội, EVN đề xuất báo Thủ tướng và các bộ ngành xem xét miễn, giảm giá điện là khách hàng trong giai đoạn đại dịch COVID-19, trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm COVID-19, các bệnh viện đang thực hiện chữa trị bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.

Cùng thời điểm, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) chính thức thông báo thực hiện miễn tiền sử dụng nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng dịch COVID-19 (trừ khu cách ly trên địa bàn huyện Củ Chi do khu vực này đang được Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn cung cấp nước) trong 3 kỳ (tháng), từ kỳ 4 đến kỳ 6 năm 2020.

Trước đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: Giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay…

Giải bài toán giảm giá

Trước thực trạng khó khăn chung, Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đã gửi kiến nghị gửi tới Bộ, ngành đề nghị gỡ khó cho ngành thuỷ sản, VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Bộ Công Thương đang đề xuất Thủ tướng cho phép giảm giá điện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ngoài điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ giảm giá điện sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch. Cụ thể, giá điện sản xuất, kinh doanh cũng sẽ hạ 10% từ tháng 4 đến tháng 6. Các cơ sở lưu trú khách sạn cũng được giảm về bằng với giá điện sản xuất từ tháng 4.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhấn mạnh: “Cách đây 1 tháng, tôi đã có ý kiến ngành điện và ngành nước: Bây giờ đã có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ổn định an sinh xã hội rồi, EVN nên thêm một bước nữa là hỗ trợ giảm giá điện cho dân thường và doanh nghiệp chứ không nên khoanh vùng chỉ giảm tiền điện cho khu cách ly, bệnh viện, viện nghiên cứu.

Cục Hàng hải cùng vừa có kiến nghị Bộ GTVT tạm thời chưa xem xét điều chỉnh tăng một số giá dịch vụ hàng hải, điều chỉnh giảm giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu hoạt động tuyến quốc tế và giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển. Đồng thời, Bộ GTVT có chính sách giảm phí neo đậu trong thời gian chờ tàu để thực hiện kiểm dịch, cách ly theo dõi dịch bệnh.

Tuy nhiên để đưa ra một giải pháp mang tính căn cơ, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội cho rằng, đơn cử như ngành điện, EVN chỉ là một doanh nghiệp, việc đề xuất miễn, giảm cho các đối tượng khách hàng đặc biệt là họ đang thực hiện theo nghĩa vụ xã hội, mang tính chất “tùy tâm”, giảm bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Các chính sách về an sinh xã hội, đảm bảo hỗ trợ cho đời sống người dân mà để doanh nghiệp thực hiện thì không chuẩn lắm. Việc này là trách nhiệm của nhà nước. Chính phủ nên ban hành chính sách hỗ trợ đặc biệt, tính toán dùng ngân sách nhà nước để đảm bảo cuộc sống của mọi đối tượng người dân trong mùa dịch.