Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) doanh số bán xe của các thành viên hiệp hội trong tháng 6/2020 đạt hơn 24.000 chiếc, cộng thêm với hơn 5.600 chiếc của TCMotor (Hyundai Thành Công), tổng lượng xe bán ra đạt hơn 29.600 chiếc, tăng hơn 24% so với tháng trước.

So với tháng 4/2020, lượng xe bán ra trong tháng 6 đã tăng 112%, ước khoảng 15.700 chiếc. Đáng chú ý, doanh số xe con dưới 9 chỗ tăng rất mạnh. Các doanh nghiệp thuộc VAMA trong tháng 6 bán được gần 17.600 chiếc, cộng với hơn 4.800 chiếc của TCMotor, tổng lượng xe con bán ra trong tháng 6 đạt gần 22.400, tăng hơn 5.000 chiếc so với tháng 5 và 12.600 chiếc so với tháng 4.

Trong tháng này, doanh số nhóm xe nhập khẩu cũng tăng rất đáng kể khi bán được 8.100 chiếc, tăng hơn 250 chiếc so với tháng 5 và gần 3.800 chiếc so với tháng 4.

Để thúc đẩy lượng xe bán ra, bên cạnh hỗ trợ từ giảm phí trước bạ 50% của Chính phủ, các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam cần thực hiện song song các giải pháp kích cầu như giảm giá các mẫu xe.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng có được của toàn thị trường, đặc biệt là doanh số của xe lắp ráp trong tháng 6/2020 là nhờ những chính sách ưu đãi, giảm giá mà các hãng và đại lý đưa ra. Cùng với đó là ngay sau khi có thông tin giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực (28/6), đầu tháng 7/2020 lượng khách hàng tìm đến các đại lý ô tô chốt hợp đồng mua xe đã tăng từ 100 – 150% so với những tháng trước đó. Dự báo, doanh số của thị trường ô tô tháng 7/2020 sẽ còn cao hơn tháng 6/2020.

Tuy vậy, mặc dù doanh số tăng so với 2 tháng trước song so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn thấp hơn. Tổng lượng xe bán ra tháng 6/2020 đạt 29.600 chiếc, thấp hơn 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2019.

Về doanh số bán ra của xe hơi tại Việt Nam 6 tháng qua, các doanh nghiệp thuộc VAMA bán ra được hơn 102.700 chiếc, cộng cả doanh số của TCMotor hơn 28.000 chiếc, tổng lượng xe bán ra tại thị trường Việt Nam đạt 130.700 chiếc, giảm gần 51.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2019 và gần 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2018.

Nhìn tổng thể, sau 6 tháng đầu năm 2020, thị trường xe ô tô Việt Nam đã đạt doanh số 135.197 xe (bao gồm thành viên VAMA với TC MOTOR, không bao gồm VinFast), sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 4 là có doanh số thấp điểm nhất, do trực tiếp chịu hậu quả nặng nề của dịch COVID-19.

So với gần 400.000 ô tô bán ra trong năm 2019, có thể thấy chặng đường đuổi kịp doanh số năm ngoái trong nửa năm còn lại sẽ vô cùng khó khăn với ngành ô tô Việt Nam bởi sức mua sắm của người dân đã thấp đi khá nhiều bởi khó khăn kinh tế từ dịch bệnh.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn nhiều phức tạp, nhiều nước bùng phát trở lại và Việt Nam chưa mở cửa đối với các du khách quốc tế, sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại, ảnh hưởng đến thu nhập và nhu cầu mua xe của người dân.

Để thúc đẩy lượng xe bán ra, bên cạnh hỗ trợ từ giảm phí trước bạ 50% của Chính phủ, các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam cần thực hiện song song các giải pháp kích cầu như giảm giá các mẫu xe, dòng xe hay tặng các gói khuyến mại. Bởi nếu chỉ có chính sách hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ của Chính phủ, thậm chí các hãng cắt hết khuyến mại, giảm giá thì nhiều khả năng doanh số bán ra khó tăng đột biến như mong muốn.

Ưu đãi về phí từ Chính phủ đi kèm với giá xe giảm từ các hãng, đại lý sẽ là thời cơ lớn để khách hàng có thể mua được chiếc xe yêu thích, giúp ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt tốc trong thời gian tới. Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm phí trước bạ chỉ là giải pháp trước mắt để khôi phục sản xuất ngành ô tô trong nước sau dịch COVID-19. Về lâu dài để có thị trường ô tô cạnh tranh, phổ cập tại Việt Nam, rất cần chính sách đồng bộ, chiến lược.

Linh Nga