Thách thức với tăng trưởng

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, GDP quý 1/2023 của Việt Nam tăng trưởng thấp khi ước đạt 3,32%, chỉ cao hơn mức 3,21% của quý 1/2020 (khi dịch Covid-19 bùng phát), còn lại thấp hơn quý 1 trong vòng 12 năm qua, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ đã đề ra cho quý 1/2023 tại Nghị quyết 01 (5,6%).

Chính sách giảm thuế VAT được xem là là một phương án giúp “khoan thư sức dân” và là cần thiết để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư

Điều này cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 sẽ là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao từ Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với các rủi ro khác như: Thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu; Xuất nhập khẩu giảm mạnh và chịu tác động tiêu cực rõ nét hơn; Thu hút và giải ngân FDI giảm; Một số cấu phần của Chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn; và Nợ xấu gia tăng dù cơ bản trong tiên lượng và tầm kiểm soát.

“Riêng về lạm phát, áp lực vẫn còn do cả yếu tố cầu kéo (lực cầu tiêu dùng khá cao, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện hơn năm trước) và chi phí đẩy (giá dầu và giá hàng hóa, dịch vụ thế giới còn ở mức cao, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng lực cầu).

Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam đang hạ nhiệt dần và dự báo CPI cả năm 2023 tăng khoảng 4-4,5% nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố tích cực cho kiềm chế lạm phát, gồm giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục giảm, lực cầu còn yếu và các biện pháp kiểm soát lạm phát phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn”. Nhóm chuyên gia phân tích.

Giảm thuế là cần thiết

Trong bối cảnh vĩ mô quý 1 ảm đạm, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital nhìn nhận, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã đặt ra ba mục tiêu rất rõ ràng là: Tăng trưởng GDP 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5% và ổn định tỷ giá. Trong đó, hai mục tiêu sau không quá đáng ngại, nhưng đảm bảo tăng trưởng sẽ là vấn đề phải đặt ra.

Với những hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng thì không được hưởng như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm

Vừa qua, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Bộ Tài chính xem xét, đưa ra hai phương án cho giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) như sau: Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%; Phương án 2, là giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hó,a dịch vụ đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thực tế trên thị trường, có những loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và thường là 10%, nên việc giảm thuế này dù theo phương án một hay hai cũng chỉ áp dụng đối với hàng hóa dịch, vụ chịu thuế. Với những hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng thì không được hưởng như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Hay với lĩnh vực bất động sản, ví dụ người dân mua một căn nhà, trên sẽ có hợp đồng sẽ có hai phần là nhà và đất, trong đó đất không tính thuế giá trị gia tăng còn nhà thì chịu thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, nếu giảm thuế 2% đối với bất động sản, thì chỉ giảm tương ứng với giá trị của nhà, trong khi trong các hợp đồng, giá trị của đất luôn chiếm nhiều hơn so với giá trị của nhà.

Tuy nhiên, đây cũng là một phương án giúp “khoan thư sức dân” và là cần thiết để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư. Thời hạn giảm 2% thuế giá trị gia tăng dự kiến từ 1/7, nghĩa là một bước hỗ trợ mới cho nửa sau năm 2023.

Phân tích thêm về chính sách giảm thuế, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ là một con số lớn trong nền kinh tế, đồng thời tạo ra sức ép cho ngân sách Nhà nước và tạo ra cơ cấu nợ cho những năm sau. Tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong ngân sách Nhà nước đâu đó chiếm trung bình khoảng 25%. Hiện Việt Nam có tỷ trọng trần nợ công dưới 65% GDP, thì điều này được xem là vẫn đang an toàn.

“Có thể nói, những chính sách mang tính chất hỗ trợ trực tiếp như đầu tư công hiện còn đang yếu, chỉ có những doanh nghiệp địa phương hoặc một bộ số bộ phận của nền kinh tế được hưởng lợi. Hay chính sách tiền tệ cũng tương tự, nếu lãi suất giảm, cung tiền tăng thì cũng chỉ một số nhóm, nhất là nhóm liên quan đến sản phẩm tài chính được hưởng lợi; còn việc giảm thuế VAT này sẽ được đánh giá rất cao do nó tác động tích cực tới tất cả mọi người.

Đây được xem như một mũi tên trúng ba đích, một là giúp tăng trưởng GDP, hai là giảm CPI và ba là tạo động lực tăng trưởng cho người dân, hỗ trợ chính sách tiền tệ đỡ thắt chặt. Trong khi tính ổn định là rất quan trọng với Việt Nam, vì thế những chính sách hỗ trợ về thuế sẽ là động lực quan trọng cho vĩ mô của chúng ta và quý 3 tới đây sẽ có nhiều điểm sáng hơn”, ông Long bày tỏ.

Diễm Ngọc