Dẫu Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đối phó với COVID-19 hiệu quả nhất, nền kinh tế đất nước vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Tại sự kiện Tuần lễ Kinh doanh quốc tế năm 2021 vừa được Đại học RMIT tổ chức, các lãnh đạo đến từ công ty Schneider Electric, Consulus và BambuUp, cũng như giảng viên cấp cao của Đại học RMIT đã cùng thảo luận những giải pháp chính mà doanh nghiệp có thể cân nhắc để “vượt bão COVID-19” tốt hơn.
Linh hoạt ứng phó với nguồn lực hạn hẹp
Theo Tiến sĩ Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT, doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề chung do nguồn lực tài chính hạn hẹp.
“Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đến một mức nào đó trong đại dịch này. Doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, và giải quyết các vấn đề với những gì sẵn có trong tay”, Tiến sĩ Alonso nhận định.
Vị chuyên gia từ RMIT gợi ý rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa (lực lượng chiếm phần lớn cộng đồng doanh nghiệp tại hầu hết các nước) nên giải quyết vấn đề theo kiểu “giàn giáo xây dựng”. Tương tự như cách lập giàn giáo xây dựng theo từng tầng một, doanh nghiệp nên tập trung vào việc tồn tại qua từng ngày và dần dần nâng cao sức mạnh cho mình.
“Khi không có hỗ trợ từ chính phủ, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những nguồn lực hạn chế hiện có để duy trì khả năng thanh khoản, và nên làm mới bản thân mình bằng cách đa dạng hóa sang các thị trường hay kênh bán hàng mới hoặc thay đổi mô hình kinh doanh”, Tiến sĩ Alonso cho biết.
“Ngay cả doanh nghiệp ở các nước phát triển cũng đang chật vật và không có giải pháp tức thì cho những vấn đề này. Doanh nghiệp cần trở nên linh hoạt hơn nữa và lên kế hoạch trước cho các cuộc khủng hoảng tương tự”.
Tập trung vào con người
Thông qua bài trình bày về điển hình thành công từ công ty Schneider Electric, bà Cáp Thị Minh Trang – Giám đốc Nhân sự khu vực Việt Nam-Campuchia và mảng an toàn năng lượng khu vực Đông Á – Nhật Bản của doanh nghiệp này đã nhấn mạnh vào góc độ con người và tổ chức khi ứng phó với COVID-19.
Bà Trang chỉ ra bốn trọng tâm trong cách ứng phó của Schneider Electric: sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, an toàn chức nghiệp, kinh doanh liên tục và bền vững, và tăng trưởng và tăng tốc hậu COVID-19.
“Chúng tôi đặt nhân viên vào trung tâm của mọi hành động mà tổ chức thực hiện và gắn kết từng người vào những thông điệp mà chúng tôi đưa ra. Quan trọng là chúng tôi không chỉ chú trọng ứng phó với thách thức hiện tại, mà còn chủ động chuẩn bị để hồi phục và tăng trưởng trong tương lai”, bà Trang cho biết.
“Chúng tôi sớm nhận ra yêu cầu phải hành động nhanh chóng. Schneider Electric là một trong những công ty đầu tiên ở Việt Nam đưa ra các biện pháp can thiệp chủ động như kế hoạch luân phiên làm việc tại văn phòng, mô hình làm việc tại nhà, thậm chí là tuyển dụng trực tuyến và thực tập trực tuyến”.
Theo bà Trang, những nỗ lực trên đã giúp Schneider Electric Việt Nam bảo toàn doanh thu đầu năm 2020 và lấy lại được đà tăng trưởng dương từ quý 3/2020.
“Về mặt nhân sự, chúng tôi đã đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho toàn bộ nhân viên với không ca dương tính nào được ghi nhận. Chúng tôi còn nâng Chỉ số gắn kết nhân viên lên thêm tám điểm dẫu cho đại dịch vẫn đang hoành hành”, bà Trang chia sẻ.
“Thế giới phải đối mặt với nguy cơ thường trực rằng các cuộc khủng hoảng tương tự sẽ diễn ra trong tương lai. Vì vậy, các lãnh đạo nhân sự cần cách tiếp cận linh hoạt để ‘chiến thắng những thách thức không thể lường trước’”.
Tư duy chiến lược trong tình hình bình thường mới
Theo ông Lawrence Chong, Tổng giám đốc tập đoàn tư vấn đổi mới toàn cầu Consulus, COVID-19 đã khiến nhiều công ty phải tự vấn về khả năng tồn tại qua khủng hoảng hiện nay và các cuộc khủng hoảng đang manh nha sắp tới.
Dựa trên một nghiên cứu Consulus thực hiện tại bảy quốc gia, ông Chong nhận định rằng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp đều dự đoán sẽ tăng trưởng theo hướng đi lên và không được chuẩn bị để đón nhận diễn biến theo chiều ngược lại.
“Chính vì vậy mà phần lớn doanh nghiệp không đủ năng lực để xoay sang những giải pháp mới hay ngành nghề khác”, ông Chong cho biết.
Theo vị chuyên gia đến từ Singapore, thiếu hụt năng lực có thể giải quyết được nếu doanh nghiệp tập trung chiến lược vào yếu tố 4C trong tình hình bình thường mới. Các yếu tố này gồm Cause (mục đích hoạt động của doanh nghiệp), Cost (chi phí), Collaboration (khả năng hợp tác) và Coordination (khả năng điều phối).
“Bạn không thể kiểm soát những gì diễn ra xung quanh, nhưng bạn có thể kiểm soát cách ứng phó hôm nay để định hình tương lai doanh nghiệp”, ông Chong kết luận.
Linh Nga