Dù thị trường điện tử rất nhộn nhịp và nhiều tiềm năng, song phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành này ở Việt Nam chưa được như kỳ vọng.
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Chia sẻ về việc thực trạng phát triển CNHT cho ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Đình Vinh – Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel cho biết, Việt Nam đã phát triển CNHT hơn 30 năm nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Các doanh nghiệp không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch…, cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, vì thế nếu không được đảm bảo đầu ra, doanh nghiệp chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn.
Theo Bộ Công thương, CNHT cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay chiếm tỷ lệ trên 80% giá trị của ngành công nghiệp điện tử, bao gồm các ngành: công nghiệp sản xuất linh kiện, công nghiệp vật liệu, công nghiệp khuôn mẫu, gia công cơ khí… Trong đó, công nghiệp vi mạch bán dẫn chiếm tỷ lệ trên 70%.
Có được sự phát triển này là do chúng ta thu hút được một số hãng điện tử lớn, như Samsung, Canon… Hiện có tới 200 doanh nghiệp Việt Nam đang là nhà cung cấp cho Samsung, cho thấy nhiều linh kiện đã và đang sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp làm được chi tiết công nghệ cao, đơn cử như Viettel đã sản xuất được điện thoại di động.
Tuy nhiên, CNHT ngành điện tử tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân chỉ 20-30%, còn lại chủ yếu là bao bì đóng gói với các chi tiết nhựa, chi tiết kim loại.
Với thị trường tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp linh kiện điện tử, còn toàn bộ mạch tích hợp đều mua từ nước ngoài. Trong khi đó, nguồn nhân lực của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao sản xuất vi mạch bán dẫn…
Liên kết để phát triển
Trong thời gian gần đây, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã đi vào thực chất hơn, các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, BKAV, Vingroup… sẽ là các doanh nghiệp đầu chuỗi, lúc đó, nguồn lực, bí quyết công nghệ sẽ dồi dào hơn.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), khi ngành điện tử Việt Nam xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu, thì sẽ giúp giảm rủi ro về chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng cũng như chi phí, đồng thời sẽ hỗ trợ gia tăng tính linh hoạt của ngành điện tử.
Bên cạnh đó, ngành điện tử Việt Nam hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy CNHT cho ngành điện tử phát triển.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp CNHT Việt Nam cần phải liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 điều kiện là chất lượng, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Có như vậy, các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu.
“Giải pháp liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp đa quốc gia (doanh nghiệp đầu chuỗi) là phù hợp với doanh nghiệp Việt hiện nay, điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có việc làm ngay tại chỗ. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần có sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, do chính Việt Nam sản xuất” – bà Đỗ Thị Thúy Hương gợi ý.