Chia sẻ về vấn đề này, TS Đinh Lê Hải Hà – Phó Viện trưởng viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nên đầu tư vào hạ tầng logistics, cải thiện kết nối và khai thác về lợi thế hạ tầng tuỳ từng đặc điểm địa phương. Đồng thời đầu tư và hệ thống chuỗi lạnh như kho, xe và container lạnh để bảo quản nông sản. Xây dựng các trung tâm để kiểm định chất lượng.

“Năm 2019, tôi đã có dịp đến thăm khu trung tâm logistics nông sản ở KKT Chu Lai, ở đó các thiết bị, kho lạnh… được đầu tư rất bài bản và quy mô. Các sản phẩm như, xoài, chuối, thanh long… được bảo quản, sơ chế và tổ chức xuất khẩu một cách hết sức hiệu quả. Đó là một trong những giải pháp, mô hình chúng ta nên cân nhắc khi xây dựng trung tâm logistics cho lĩnh vực nông sản” – bà Hà chia sẻ.

truy-xuat

Ứng dụng công nghệ là giải pháp rất quan trọng để khơi thông điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng nông sản.

Cũng theo bà Hà, ứng dụng công nghệ là giải pháp rất quan trọng để khơi thông điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng nông sản. Các doanh nghiệp có thể tổ chức các sàn giao dịch thương mại online và có các biện pháp liên quan truy xuất nguồn gốc.

Trong thực tiễn hiện nay vấn đề truy xuất nguồn gốc còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn làm theo thói quen. Dữ liệu, công nghệ còn gặp nhiều vấn đề hoặc bản thân những người tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản vẫn chưa có đủ động lực để đầu tư vào hoạt động truy xuất nguồn gốc.

“Nhiều doanh nghiệp do gặp nhiều vấn đề liên quan đến chi phí nên khi đầu tư vào chuỗi lạnh hay đầu tư vào các ứng dụng liên quan đến truy xuất nguồn gốc thì mới chỉ coi đó đơn thuần là chi phí mà chưa nhìn nhận rằng đó là một giải pháp để mang lại giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng” – bà Hà cho biết thêm.

Bà Hà còn cho rằng, có rất nhiều vấn đề liên quan đến chi phí, hạ tầng hay liên quan đến đầu tư hạ tầng cho logistics nông sản. Đồng thời đề nghị, các địa phương cần thực hiện các giải pháp để giảm chi phí liên quan đến hạ tầng logistics, có thể ưu tiên quỹ đất cho đầu tư các khu chế biến, trung tâm logistics nông sản…; Có đầu mối để tổ chức kết nối các nhà: nhà nông – nhà phân phối – nhà dịch vụ; Hỗ trợ các hoạt động liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics nông sản.

Trong điều kiện bình thường hoạt động logistics cho nông sản đã có rất nhiều điểm nghẽn. Những điểm nghẽn này càng trở lên lớn hơn và phức tạp hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Tanthanh

Các giải pháp để giảm chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp cũng là vấn đề cần được quan tâm. (Xe hàng chở nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh).

TS Nguyễn Quang Như Quỳnh – Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng cho biết, khi trong khó khăn sẽ tìm cánh cửa hẹp để thoát ra. Và chia sẻ rằng, doanh nghiệp cần phải phải đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, bắt buộc phải có tuy duy khác tạo tiền đề để làm khác. Đặc biệt trong thời điểm này, doanh nghiệp phải giao dịch, sản xuất dựa vào công nghệ, dựa vào kỹ thuật để quản lý quy trình để đạt chất lượng cao hơn.

Đồng quan điểm, bà Hà cho rằng, nhất định phải áp dụng khoa học công nghệ và tận dụng những nền tảng, công nghệ tiến bộ để đưa sản phẩm tốt nhất tới người tiêu dùng càng sớm càng tốt. Thông thường tư duy của nhà sản xuất nông nghiệp là sản xuất gì và bán cho thương lái nhưng có hơn chăng nhà sản xuất nên tư duy làm cách nào sản phẩm của mình tới từng hộ gia đình một cách hiệu quả với độ an toàn cao nhất, giá cả phải chăng nhất và chất lượng đảm bảo. Khi có tư duy khác, hành động của doanh nghiệp cũng sẽ khác.

Bà Quỳnh cho rằng, trong chuỗi cung ứng nông nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, có rất nhiều khâu (công đoạn) có thể tiến hành đổi mới sáng tạo như: tạo thương hiệu câu chuyện bản thân tận dụng tri thức bản địa, OCOP; zalo chat nhóm; chia sẻ lợi nhuận với nhà xe chuyên chở, logistics; kết nối các nhà nông cung cấp các sản phẩm khác; nhóm bán hàng, nhóm canh tác chung – vườn rau nhà mình; sử dụng app; giải pháp bao bì giữ trái cây tươi hơn; bán hoa rau cùng nhau….

Thực tế cho thấy logistics phát triển sẽ góp phần khắc phục hạn chế của ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch. Như vậy, ngoài chú trọng đầu tư hạ tầng, thì các giải pháp để giảm chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Theo ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), dịch vụ logistics cho nông nghiệp là một phân ngành dịch vụ lớn trong chuỗi dịch vụ cung ứng logistics. Chi phí cho logistics thương mại nông sản hiện vẫn còn đang ở mức cao, chiếm 27% – 28% giá trị của hàng hóa, cộng thêm với đó là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch đã làm nông sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường. Vấn đề cấp thiết hiện nay là tích cực áp dụng công nghệ vào các quy trình thu hoạch, bảo quản, vận chuyển,… để giảm giá thành.

Lan Vũ