Đó là chia sẻ của bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm TP.HCM với phóng viên, liên quan tới những bất cập và bất công về giá thịt heo trong thời gian vừa qua.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM.

Theo bà Lý Kim Chi, việc giá thịt heo hơi tăng cao dẫn tới sản phẩm đến tay người tiêu dùng cao “ngất ngưởng” trong thời gian vừa qua là hết sức bất cập. Song, đây cũng là một trong những động lực để doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện giải pháp tái đàn. Tuy nhiên, câu chuyện bùng phát dịch tả heo châu Phi trở lại trong thời gian vừa qua ở một số địa phương, lại đang là mối đe dọa khiến người chăn nuôi còn e ngại khi đầu tư và mở rộng nhân giống đàn. Xuất phát từ vấn đề đó đã khiến cho giá heo giống hiện nay tăng lên khoảng vài triệu đồng/con.

Việc tái đàn chỉ nên thực hiện ở những trang trại có đủ điều kiện chăn nuôi sinh học.

Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng được đà tăng cao dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng hơn 10%. Do đó, người chăn nuôi buộc phải áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học dẫn đến gia tăng chi phí chăn nuôi là điều dễ hiểu.

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để hạ giá thành thịt heo. Cụ thể, sau khi có chỉ đạo đó, đã có 15 doanh nghiệp cam kết đồng hành để góp phần vào việc “hạ nhiệt” giá thịt heo. Trong đó, thực hiện 2 lần giảm giá, mỗi lần giảm khoảng 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 15 doanh nghiệp cam kết chỉ chiếm khoảng trên 30% thị phần heo thịt, số còn lại chiếm 60% thị phần nên hiệu quả chưa cao. “Do chênh lệch quá lớn về cầu đã kéo theo giá thịt heo chỉ giảm được vài ngày rồi lại tăng lên mức cao” – bà Chi nói.

Theo bà Chi, để giải quyết bài toán lâu dài và bền vững thì việc “thực hiện tái đàn là một trong những biện pháp quan trọng để giảm giá thịt heo”. Tuy nhiên, việc tái đàn chỉ nên thực hiện ở những trang trại có đủ điều kiện chăn nuôi sinh học và các cơ sở chăn nuôi chỉ nên tái đàn với số lượng khoảng hơn 10% /tổng đàn heo ban đầu. Đặc biệt, sau khi tái đàn được 30 ngày, phải lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp, nếu tất cả các mẫu đều âm tính với virus dịch tả heo châu Phi thì mới tái đàn với số lượng lớn.

Cũng theo bà Chi, nếu số liệu báo cáo của các cơ quan chức năng đúng và chính xác về số lượng đàn nái trên cả nước đạt 2,86 triệu con, và số lượng heo đực giống khoảng 64.042 con thì đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái. Song song đó, để giải bài toán tức thời thì cũng nên nhập khẩu thịt heo để giảm tải áp lực nguồn cung trong nước, đáp nhu cầu cho người tiêu dùng và giảm giá thành.

“Tuy nhiên, về lâu dài thì giải pháp cho câu chuyện cung – cầu, giảm giá thịt heo thì tái đàn vẫn là giải pháp hữu hiệu” – bà Chi nhấn mạnh.

Trước đó, liên quan tới việc nhập khẩu giá thịt heo để giảm giá thành, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết giá lợn nhập khẩu về Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chi phí vận chuyển, hao hụt, chi phí nuôi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển đến nơi cách ly, giết mổ, việc này của do doanh nghiệp tính toán. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện nhập lợn sống về giá cao hơn thị trường trong nước hiện nay.

Mặc dù đã nhập khẩu nhưng giá thịt heo trong nước gần gấp đôi so với thịt nhập khẩu. 

Cũng theo ông Tiến, qua khảo sát cho thấy, Thái Lan có nền chăn nuôi tiên tiến, giá thịt lợn ở Thái Lan thấp hơn giá trong nước. Lợn sống cũng chỉ được nhập khẩu từ 8 doanh nghiệp Thái Lan. Các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước chắc chắn cũng có tính toán, cân đối giá thành, chi phí. “Chắc chắn là khi nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam, giá thịt lợn trên thị trương sẽ hạ nhiệt” – ông Tiến khẳng định.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi heo tái đàn an toàn và bền vững, theo kế hoạch trong tháng 5/2020, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi giai đoạn 2020 – 2025” để hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính từ đầu năm đến cuối tháng 3/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn thịt heo (tăng tới 312% so với cùng kỳ năm 2019). Cụ thể, thịt heo nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brasil 9,68%, Hoa Kỳ 7,65% và Nga 2,62%.

Trước tình hình giá thịt heo trong nước vẫn còn ở mức cao, nhiều người tiêu dùng chuyển hướng lựa chọn thịt heo nhập khẩu. Ghi nhận giá thịt heo nhập khẩu được bán tại siêu thị Big C (TP.HCM): nạc dăm 134.000 đồng/kg, cốt lết 109.000 đồng/kg, ba rọi 149.000 đồng/kg, chân giò 99.000 đồng/kg, móng giò 89.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thịt heo trong nước gần gấp đôi so với thịt nhập khẩu. Đơn cử, thịt heo được phân phối bởi nhãn hiệu Meat Deli có mức giá từ 183.900 – 295.900 đồng/kg; thịt heo xay 183.900 đồng/kg, ba rọi 286.900 đồng/kg, thịt đùi 154.900 đồng/kg, sườn thăn 295.90 đồng/kg, nạc đùi 169.000 đồng/kg.

Hương Giang – Duy Long