vonODA1

Thi công đường Trần Hoàng Na (TP Cần Thơ), một trong những công trình được đầu tư từ nguồn vốn ODA.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết theo kế hoạch, vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến cuối tháng 5/2021, số vốn nước ngoài mà các địa phương đã giải ngân chỉ hơn 1.100 tỉ đồng, bằng 1,73% dự toán. Đến nay có 37 tỉnh, TP chưa giải ngân đồng vốn nào, điển hình như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Bộ Tài chính cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các khâu từ nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát đều bị ảnh hưởng.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, ngoài nguyên nhân khách quan như dịch bệnh thì một nguyên nhân ảnh hướng đến tiến độ giải ngân là nhiều dự án không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm; chậm xử lý đơn rút vốn; điều chỉnh dự án… Tựu chung lại là trình tự thủ tục kéo dài, làm cho dự án triển khai chậm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài chậm là “căn bệnh” nhiều năm qua, song năm nay càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách cho phép các chuyên gia nước ngoài liên quan đến các dự án trong nước được nhập cảnh với các điều kiện phòng chống dịch chặt chẽ kèm theo. Chính phủ, bộ – ngành cần thảo luận, bàn bạc với các nhà tài trợ để xem xét một số chính sách cấp vốn đặc thù để triển khai dự án.

vonODA

Trong thời gian tới, cần ưu tiên cho những dự án có khả năng giải ngân trong năm 2021 và những dự án sẽ kết thúc trong năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ, khối lượng hoàn thành. 

“Nếu như trước đây, một số nhà tài trợ yêu cầu phải có khối lượng hoàn thành cơ bản mới cấp vốn thì trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, có thể thương thảo các phương án cấp vốn phù hợp để chúng ta thực hiện dự án” – ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương rà soát việc phân bổ dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án, trong đó ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án.

Trong thời gian tới, cần ưu tiên cho những dự án có khả năng giải ngân trong năm 2021 và những dự án sẽ kết thúc trong năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ, khối lượng hoàn thành. Các địa phương cần chủ động điều chỉnh phẩn bổ cho các dự án trong phạm vi của địa phương. Nếu có nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm vốn ODA trong năm thì các địa phương cần đánh giá kỹ và sớm báo cáo, đề xuất với Bộ KH&ĐT để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm cho phù hợp.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cam kết hoàn thành kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng một ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Từ tháng 7/2021, sẽ triển khai thí điểm áp dụng và tiến tới áp dụng chính thức trong năm 2021, cơ chế thông báo nhận nợ định kỳ với các địa phương thông qua sở tài chính nhằm bảo đảm cơ chế thông tin thống nhất giữa Bộ Tài chính và các địa phương để hỗ trợ các địa phương chủ động và kịp thời bố trí trả nợ cho Chính phủ.