Hoạt động xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và dự báo chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.
Tại cuộc họp Chính phủ với địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các ngành, địa phương phấn đấu không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu, tiếp tục phấn đấu cán mốc trên 500 tỷ USD và giữ cán cân thương mại ở mức xuất siêu. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt được khó khăn.
Dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan ra các quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam đã khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là từ quý II trở lại đây. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD.
Hoạt động xuất khẩu trong ngắn hạn được dự báo vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực cũng đã bắt đầu xuất hiện.
Đáng chú ý, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với Hiệp định EVFTA, hiệp định CPTPP cũng đang mang lại cơ hội xuất khẩu hàng hóa rất lớn. Nửa đầu năm, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng tích cực khi xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%. Cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP tiếp tục mở rộng khi Nhật Bản đã chấp nhận nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2020 và lượng vải sang quốc gia này đang tiêu thụ rất tốt. Bên cạnh đó, Canada cũng lần đầu tiên nhập khẩu trái xoài Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng xuất khẩu, bên cạnh việc hỗ trợ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối, Bộ Công Thương đang tăng cường triển khai các hoạt động phổ biến thông tin về hiệp định, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường. Ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương cũng đang tích cực phổ biến các quy định về xuất xứ hàng hóa cũng như chỉ đạo các phòng xuất nhập khẩu địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết.
Ngoài ra, LG đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn – nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang… Việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này, tạo nguồn hàng chất lượng để xuất khẩu trong thời gian tới.
Về phía các doanh nghiệp, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, sau khi EVFTA có hiệu lực, 37% sản phẩm giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ hưởng ngay mức thuế 0%, phần còn lại giảm dần từ mức bình quân 12,5% về 0% theo lộ trình từ 3 đến 7 năm. Với con số hấp dẫn này, cộng đồng doanh nghiệp da giày trong nước đang mong mỏi từng ngày hiệp định có hiệu lực để tận dụng các ưu đãi. Việc EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ giúp cải thiện kim ngạch xuất khẩu da giày cho năm 2020 và những năm tiếp theo.
Hoài Anh