PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đánh giá, có xu hướng sụt giảm mạnh của tăng trưởng GDP và đây là yếu tố đáng lo.

600-700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế kỳ vọng tiếp sức cho doanh nghiệp và là cơ hội để thay đổi cấu trúc phát triển nền kinh tế.

Xu hướng đi xuống của tăng trưởng

Theo đó, vị chuyên gia phân tích, trong khi năm 2019 Việt Nam tăng trưởng 7,08% trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm mạnh, thì đến Quý I/2020 đã tụt xuống 3,8%, và đến Quý II/220 thì chỉ còn 0,36%. 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng tụt xuống chỉ còn 1,18%. Như vậy, ta đã giảm mất gần 6%.

Đặc biệt có 12 tỉnh thành tăng trưởng âm lớn như Quảng Nam, Khánh Hòa, âm tới 11-12%. Trong khi đó, con số tăng trưởng của các địa phương này vào năm 2019 là dương 5-7%. Điều này cho thấy mức tăng trưởng âm của các địa phương thực sự quá rõ rệt và quá nặng.

Từ những phân tích trên, PGS TS Trần Đình Thiên cho rằng chưa thể thấy Việt Nam “thoát” khỏi COVID-19 sớm hơn mà vội mừng, bởi sự phục hồi còn rất yếu. “Nếu chỉ nhìn thấy ta dương, thế giới họ âm cả, mà không biết được mức độ “bổ nhào” của ta thế nào thì không ổn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cùng xu hướng đi xuống trong tăng trưởng, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng lưu ý hai vấn đề tồn tại cần nhận diện. Thứ nhất là khu vực doanh nghiệp bản địa về thực lực còn rất yếu. Thứ hai là độ lệ thuộc của chúng ta vào thị trường thế giới, đặc biệt vào một số thị trường nước ngoài, lớn hơn rất nhiều nước khác.

“Nguyên nhân trực tiếp của suy giảm tăng trưởng là đứt chuỗi, đứt mạch cung ứng, sản xuất toàn cầu, trong khi COVID-19 là tác nhân. Bởi vậy, nếu COVID-19 ở Việt Nam chống xong rồi mà vẫn thế giới đứt chuỗi thì có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đứng trước nguy cơ lớn, thậm chí tai họa”, PGS TS Trần Đình Thiên nhận định. Đồng thời nhấn mạnh, tuyệt đối chưa thể lạc quan.

“Giai đoạn khó khăn, tồi tệ nhất của nền kinh tế vẫn chưa xảy ra, bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt và chưa biết đến bao giờ mới có thể phục hồi. Khi chuỗi cung ứng chưa được nối lại được thì doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn, có thể sẽ yếu hơn”, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng phân tích về những yếu tố bất định, không kiểm soát được ảnh hưởng tăng trưởng 6 tháng cuối năm, PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, sự sụt giảm tổng cầu cùng hàng hoá bí đầu ra trong khi nguyên liệu các ngành công nghiệp lại phụ thuộc nhập khẩu là điểm nghẽn.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, đánh giá như vậy không phải để bi quan mà là để có giải pháp chính sách tích cực cho việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên. Bởi nếu thuốc không đúng liều, đúng lúc thì hiệu quả thấp và hậu quả còn nặng hơn.

Cơ hội thay đổi cấu trúc để phát triển

Vị chuyên gia đề xuất, nguồn cứu trợ chính cho nền kinh tế lúc này phải là tăng cường đầu tư công. Bởi theo lý giải của ông Thiên, những giải pháp như miễn giảm hoãn thuế, phí, tiền thuê đất… sẽ giảm bớt áp lực đè lên doanh nghiệp nhưng đó là giải pháp cấp cứu, không phải là giải pháp phục hồi. Mà giải pháp cấp cứu thì bao giờ cũng chứa đựng rủi ro.

“Nguồn lực đầu tư công sẽ chảy vào nền kinh tế, thấm vào nền kinh tế thì các doanh nghiệp sẽ được “tiếp máu” và hưởng lợi, giúp doanh nghiệp hồi sinh”, ông Thiên nhấn mạnh. Con số này được dự kiến lên tới 600-700 nghìn tỷ đồng nếu tập trung giải phóng vào nền kinh tế.

Bài toán khó là lâu nay nguồn vốn đầu tư công vẫn cứ bị “om” ở đó, không “chảy” được. Bây giờ phải làm sao giải tỏa được cái giống như cái ao tù này.

Đặc biệt nhắc tới trạng thái bình thường mới, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, cần dành một bộ phận đáng kể nguồn lực cho những doanh nghiệp hoàn toàn mới để tạo nền tảng cho một nền kinh tế mới, với những dòng máu mới và một cuộc chơi khác.

“Đây là một cơ hội để thay đổi cấu trúc để phát triển. Yêu cầu tăng tốc giải ngân đầu tư công đem đến cơ hội thay đổi thể chế để khơi thông nguồn lực trong nền kinh tế và thay cả người sử dụng nguồn lực ấy”, PGS TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trên thực tế, giải pháp về đẩy nhanh vốn đầu tư công, tiếp sức cho nền kinh tế cũng được nhiều chuyên gia khẳng định. PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, hiện chỉ có kích thích tài khoá thông qua đầu tư công là yếu tố chúng ta có thể kiểm soát và nắm quyền chủ động nhất cho kích thích tăng trưởng.

PGS TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đồng tình cho rằng, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát.

“Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện”, PGS TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Đồng thời ông cho rằng, việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt.

Thy Hằng