Khối lượng công việc cần thực hiện cho Dự án này sẽ còn nhiều áp lực nếu các Bộ, ngành có liên quan thiếu quyết liệt.
Dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành sẽ không có vốn để tái khởi động nếu các Bộ, ngành có liên quan không khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gia hạn khoản vay số 2 (3391- VIE).
Dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 1.607 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 635,7 triệu USD.
Áp lực giảm bớt
Dù áp lực gia hạn khoản vay từ ADB cho Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đã phần nào giảm bớt sau khi Bộ Tài chính có Công thư gửi ADB, thông báo việc Chính phủ Việt Nam ủng hộ gia hạn khoản vay cho Dự án đến ngày 31/12/2023.
Theo đó, sau khi ADB có động thái tạm dừng khoản vay đối với dự án nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 234/TB – VPCP ngày 9/7/2020, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ngay thư gửi ADB trước ngày 10/7/2020, đề nghị ADB gia hạn khoản vay đối với Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Trong đó, thể hiện mong muốn của Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng khoản vay ADB để hoàn thành Dự án này.
Song song đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông- Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC và các cơ quan liên quan sớm báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho Dự án. Trong đó, ưu tiên đề xuất ngay nguồn vốn phù hợp để chi trả khoản tiền chậm thanh toán cho nhà thầu đang thi công (khoảng 15 triệu USD). Khối lượng công việc cần thực hiện cho Dự án này sẽ còn nhiều áp lực nếu các Bộ, ngành có liên quan thiếu quyết liệt.
Cần sớm gia hạn khoản vay
Đại diện VEC cho biết, nếu Bộ Tài chính không khẩn trương làm thủ tục đề nghị gia hạn Hiệp định khoản vay số 2 (3391 – VIE), với tổng giá trị còn lại khoảng 250 triệu USD, thì ADB sẽ đóng khoản vay này tương tự như đã làm với khoản vay số 1 (2730 – VIE, có giá trị còn lại 177/350 triệu USD) hồi giữa năm 2019. Khi đó, Dự án sẽ không có vốn để tái khởi động công trường đã đình trệ từ đầu năm 2019, do chủ đầu tư không thể tìm được nguồn thay thế để hoàn tất các hạng mục của Dự án với giá trị còn lại khoảng 4.665 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD.
Được biết ngay từ cuối năm 2018, VEC đã báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương gia hạn các hiệp định vay ADB để đảm bảo nguồn vốn từ nhà tài trợ này được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên sau gần 40 văn bản tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đến tháng 5/2020, quá trình gia hạn hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án mới được giao Bộ GTVT khởi động chính thức.
Ngoài ra, việc Dự án chưa thể xác định được thời điểm sẽ hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vấn đề pháp lý đối với các đơn vị tham gia thực hiện Dự án, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại từ phía các nhà thầu quốc tế, không phát huy hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.
Đại diện VEC cho biết thêm, vấn đề căng thẳng nhất là tại đoạn phía Đông sử dụng vốn từ khoản vay ADB số 3391-VIE (gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7). Khối lượng thi công đoạn này mới đạt khoảng 38,66%. Các gói thầu vẫn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng, thi công cầm chừng do không được thanh toán khối lượng đã nghiệm thu từ sau thời điểm kết thúc thực hiện Dự án theo quyết định đầu tư (ngày 30/6/2019). Bởi vậy, Hiệp định vay 3391-VIE cần sớm được gia hạn đến ngày 31/12/2023 để có đủ vốn hoàn thành đầu tư Dự án.
Hương Giang