Là thị trường tiềm năng với sức phát triển “nóng”, tuy nhiên, hiện nay ngành nhiệt – lạnh vẫn chưa có sự liên kết để phát triển xứng tầm.
Ngày nay, ngành nhiệt – lạnh đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống từ nhà ở, thương mại, dịch vụ, y tế, công cộng đến các công trình công nghiệp và nhà máy công nghệ cao… Đây là một thị trường tiềm năng với sức phát triển “nóng” và rất cần sự liên kết; tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều cơ hội để các thương hiệu, doanh nghiệp kết nối, tìm “tiếng nói chung” để phát triển ngành xứng tầm.
Trên thực tế, TS. Nguyễn Xuân Tiên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam cho biết: ngành lạnh và điều hòa mỗi năm tiêu tốn trên 2 tỷ USD của xã hội, tiêu thụ gần 20% sản lượng điện của cả nước. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam và tăng nhanh nhất trong các ngành tại khu vực ASEAN. Đặc biệt, đây là một trong những ngành gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và sự nóng lên của trái đất.
Song, ngành lạnh và điều hòa lại không có một Bộ hay cơ quan ngang bộ nào chủ quản, trực tiếp quản lý, trong khi ngành này có ảnh hưởng lớn tới xã hội.
Nguyên nhân, vì mỗi Bộ quản chỉ quản lý lĩnh vực chuyên ngành nên rất khó để tìm tiếng nói chung trong định hướng phát triển và có những chính sách phù hợp trong xu thế mới của quốc tế về nền kinh tế số, nhà máy thông minh, công nghệ cao nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ tầng ôzôn.
“Hiện tại, riêng ngành Lạnh và Điều hòa không khí không có Bộ chủ quản trực tiếp mà mỗi Bộ quản lý một lĩnh vực riêng. Cụ thể, Bộ Công thương quản lý về tiết kiệm năng lượng và dán nhãn tiết kiệm năng lượng, Bộ Xây dựng quản lý về các ngôi nhà xanh và chất lượng không khí trong các tòa nhà, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về bảo vệ tầng ô dôn và chống phát thải khí nhà kính, cấp phép xuất nhập khẩu các môi chất lạnh được phép sử dụng. Bộ Khoa học và Công nghệ biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng…”, ông Tiên nhấn mạnh.
Nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi cũng nhau đưa ra phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực này, “Triển lãm quốc tế Nhà máy công nghệ cao, công nghệ nhiệt lạnh và phòng sạch” CLEANFACT & RESAT EXPO 2023 sẽ được tổ chức. Triển lãm diễn ra từ ngày 26 đến 28 tháng 10 năm 2023 tại Khu công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, ông Tạ Quang Ngọc cho biết, đây là một trong những chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam trong lĩnh vực phòng sạch, công nghệ nhiệt – lạnh, nhà máy công nghệ cao.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam cũng rất mong muốn thông qua Ngày hội để tập hợp các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện các bộ ngành để cùng nhau thảo luận tìm tiếng nói chung cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
Trước đó, khi đưa ra nhận xét về tầm quan trọng của ngành Lạnh và xu thế phát triển trong tương lai PGS. TS. Nguyễn Việt Dũng Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay: “Có thể khẳng định, xã hội càng hiện đại, nhu cầu các sản phẩm làm lạnh càng tăng. Đó là lý do vì sao trong thời gian dịch COVID-19 những ngành sản xuất khác giảm sút nhưng ngành Lạnh, Điều hoà không khí vẫn phát triển bền vững với quy mô lớn nhất trong toàn khối ASEAN. Tuy bị sụt giảm trong thời kỳ diễn ra dịch Covid nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn GDP của Việt Nam hiện nay từ 8-10%. Đây là tốc độ phát triển rất lớn, gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới” .
Đây là một thị trường đầy tiềm năng được đánh giá khoảng 2 tỷ USD với sức phát triển đang rất nóng và rất cần sự liên kết trong nước và quốc tế; Cleanfact & Resat Expo 2023 chính là cơ hội để các thương hiệu Việt, các doanh nghiệp Việt kết nối, giao lưu với khu vực.
Từ đó, giúp Nhà nước và doanh nghiệp bắt kịp xu hướng áp dụng các công nghệ mới với thành quả của kinh tế số, gắn liền với chính sách phát triển xanh và sạch, với ưu tiên lớn nhất là tiết kiệm năng lượng (nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính đồng thời tiết kiệm cho người dùng) và thực hiện lộ trình nghiêm ngặt thay thế môi chất lạnh phù hợp với các chính sách về Biến đổi khí hậu.
Bảo Loan