Chính thức được thành lập ngày 1/1/2021, TP Thủ Đức có tổng cộng 34 phường, vị trí địa lý giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Theo kế hoạch triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. UBND TP Thủ Đức đã thực hiện bàn giao tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư đang thực hiện từ 3 quận về thành phố Thủ Đức quản lý.

tp-thu-duc

Việc xử lý 29 điểm công trình dôi dư sau thành lập TP Thủ Đức vẫn là bài toán khó.

Sau nhiều lần bố trí, điều chỉnh trụ sở làm việc của Thành ủy, UBND và khối MTTQ, đoàn thể, TP Thủ Đức hiện còn 29 điểm nhà đất là công sở các ban ngành 3 quận cũ không sử dụng.

Được biết, tổng diện tích 29 điểm nhà đất này có diện tích tổng cộng 21.520m2, chủ yếu nằm ở trung tâm các quận cũ, mặt tiền đường, có giá trị cao. Nhiều ý kiến lo ngại các công trình này bị để hoang lâu ngày sẽ gây lãng phí nguồn lực. Song, vấn đề xử lý đất công hiệu quả vẫn là vấn đề nan giải.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng kiến nghị cho phép tổ chức bán đấu giá để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng thành phố. Theo dự tính của TP Thủ Đức, với 21.520m2 đất dôi dư trên nếu được bán đấu giá công khai sẽ mang về ngân sách 1.000 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn vốn thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã  hội.

Trên thực tế, sau khi thành phố Thủ Đức được chính thức thành lập, sức nóng bất động sản tại khu Đông TP.HCM liên tục lập đỉnh giá. Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2021 của Batdongsan.com.vn, giá rao bán nhà đất tại TP Thủ Đức đã tăng 35%.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Hội môi giới BĐS Việt Nam, giá căn hộ chung cư tại TP Thủ Đức trong quý vừa qua cũng tiếp tục tăng. Giá trung bình tại khu vực này dao động từ 60-70 triệu đồng/m2, tương đương với giá căn hộ hạng sang tại Hà Nội.

thu-duc

TP Thủ Đức đang là điểm nóng về bất động sản, theo đó việc xử lý 21.000m2 đất công sau sáp nhập cần được tính toán kỹ.

Thực tế, thời điểm trước thềm thành lập TP Thủ Đức đã được xác định là một trong những tâm điểm phát triển nhà ở của TP.HCM. Đặc biệt, trong bối cảnh TP.HCM thiếu hụt nguồn cung căn hộ chung cư, nhà đất tại khu vực này luôn được giới đầu tư tiếp tục săn đón.

Theo đó, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, với 29 điểm nhà đất công sở dôi dư, việc bán đấu giá cần phải xem xét kỹ từng công sở, tính toán tỷ lệ để lại cho TP Thủ Đức phù hợp.

Trao đổi với phóng viên, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, cần rà soát các địa chỉ nhà đất dôi dư, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của khu vực. Không thể cứng nhắc sử dụng cho công trình công cộng, phúc lợi xã hội, song cũng không thể bán đấu giá tất cả, biến nơi đây thành các cao ốc.

TP Thủ Đức phải là một thành phố khởi nghiệp, công nghệ cao, đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 Đừng xem thành phố phía Đông là một “miếng bánh béo bở”, biến nó thành mảnh đất nuôi dưỡng bất động sản và rồi để phân chia cho các nhà đầu tư.

“TP.HCM đã chứng kiến cảnh ngập lụt vì vỡ hạ tầng nhiều năm qua. Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng trong TP Thủ Đức và kết nối với các quận khác vẫn còn chưa hoàn thiện. Trong khi chờ quy hoạch TP Thủ Đức, việc đấu giá đất, sử dụng đất không phù hợp sẽ để lại các hệ quả khó lường” – vị KTS chia sẻ.