Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm sau những hy vọng về nhu cầu tại các thị trường lớn mờ nhạt dần. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước vừa được điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp.

Cụ thể, tại kỳ điều hành chiều 21/8, giá xăng E5 RON92 tăng lên mức 23.339 đồng/lít, xăng RON95 lên 24.601 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 71 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, xuống mức 22.354 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu hỏa tăng 420 đồng/lít, lên 22.309 đồng/lít và dầu mazut tăng 313 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.981 đồng/kg

Vì sao giá xăng trong nước liên tục tăng cao trong khi giá dầu thế giới có xu hướng giảm?

Giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng, trừ giá dầu diesel giảm.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/8 đến ngày 20/8) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Theo đó, những lo ngại xoay quanh nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc, sự tăng giá của đồng USD, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, Trung Quốc sử dụng dầu dự trữ để ngăn chặn việc OPEC+ cắt giảm nguồn nhằm đẩy giá dầu đi lên…các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 11-8 đến 20-8 có biến động tăng giảm đan xen.

“Có vẻ như sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể xảy ra. Trung Quốc đã mua rất nhiều dầu thô để dự trữ vào đầu năm. Họ đang lên kế hoạch dự trữ dầu thô.” Reuters dẫn lời John Kilduff, đối tác tại Again Capital.

Theo Robert Yawger, giám đốc năng lượng tương lai, Mizuho Securities USA, bây giờ là lúc xảy ra cuộc chiến giữa việc cắt giảm sản lượng dầu thô của Saudi với việc phá hủy nhu cầu.

Có thể thấy, giá dầu thô tăng trong suốt mấy tháng qua được đẩy lên bởi sự cân bằng chặt chẽ giữa nguồn cung dầu thô và nhu cầu cao. Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm 2%, phá vỡ chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp trước những lo ngại về tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu về dầu mỏ, trong khi khả năng Mỹ tăng thêm lãi suất cũng làm lu mờ triển vọng nhu cầu.

Đồng thời, OPEC và Nga cùng lúc cắt giảm sản lượng để đáp ứng nhu cầu tốt hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch.

Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập Quỹ bình ổn giá  đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ bình ổn giá đối các mặt hàng xăng, dầu disel, dầu hỏa, dừng chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut.

Liên bộ cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu như hiện tại nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Theo Liên bộ, phương án điều chỉnh hiện này nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Trao đổi với VTC News, ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và sản phẩm dầu mỏ cho biết, hiện giá xăng dầu của Việt Nam có sự liên thông chặt chẽ nhất với giá xăng dầu của thị trường Singapore vì nhập khẩu trực tiếp từ đó chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá dầu thô thế giới. Ngoài ra, giá dầu thô thế giới giảm nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn có thể tăng bởi vì biến động muộn hơn giá dầu thô khoảng 30 ngày.

Tương tự, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng) cho biết, những phiên gần đây, giá dầu thô thế giới tăng giảm đan xen. Dư luận thường cho rằng nhà điều hành sẽ căn cứ vào diễn biến của giá dầu thô để điều hành giá xăng dầu trong nước. Nhưng thực tế là phải căn cứ vào giá dầu thành phẩm mới quyết định được.

Còn theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, phân tích thêm: “Chúng ta có công thức tính giá xăng dầu chu kỳ 10 ngày/lần và trong chuỗi 10 ngày ấy, có 8 ngày giá dầu lên, nhưng chỉ có 2 ngày giá dầu giảm thì chúng ta phải cộng lại chia bình quân 10 ngày để ra giá bán lẻ xăng dầu. Nếu giá dầu vẫn tăng so với trước kỳ điều hành thì sẽ được áp vào công thức để tính giá”.

Cũng theo ông Bảo, giá xăng dầu của Việt Nam không điều hành theo ngày nên nhiều khi dư luận cho rằng chúng ta đi ngược với thế giới là không đúng. “Trên thế giới ngày nào xài ngày đấy, còn chúng ta lấy giá của 10 ngày để chia bình quân. Trừ trường hợp trong 1-2 phiên cuối của 10 ngày, giá dầu thô giảm thật sâu thì sẽ tác động mạnh đến giá thành phẩm và giá bán lẻ trong nước. Trường hợp giá dầu trước kỳ điều hành giảm sâu, nhưng sát kỳ điều hành lại tăng, nếu chia bình quân giá vẫn giảm thì sẽ được điều hành giảm”, ông Bảo nói.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng tối đa công suất trước khi bảo dưỡng

Từ 25/8 tới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ dừng sản xuất 55 ngày để bảo dưỡng sau gần 5 năm.

Để bù đắp đắp sản lượng xăng, dầu thiếu hụt trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương tăng tối đa công suất sản xuất các sản phẩm xăng dầu, nhằm góp phần cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu xăng dầu của thị trường.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng chủ động nâng cao công suất kho chứa, xem xét thuê thêm kho để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất. Đồng thời, ưu tiên cung ứng xăng dầu cho các thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp có tổng kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng cần chuẩn bị tốt các phương án, cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu, vật liệu… để đảm bảo hoàn thành bảo dưỡng trong thời gian sớm nhất, tránh các tình huống phát sinh có thể xảy ra, gây chậm trễ, kéo dài thời gian bảo dưỡng định kỳ.

Trong quá trình bảo dưỡng, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, chủ động theo dõi sát tiến độ bảo dưỡng định kỳ năm 2023 của Lọc hóa dầu Nghi Sơn kịp thời phục vụ công tác điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu.

Lam Song