Chiều 1/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, từ 15h hôm nay, xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 520 đồng/lít.
Theo Liên Bộ, giá các mặt hàng xăng đồng loạt tăng. Giá xăng E5 RON92 tăng 390 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành lên mức 20.878 đồng/lít. Giá xăng RON95-III không cao hơn 22.015 đồng/lít, sau khi tăng 516 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Ngược với giá xăng, giá dầu trong kỳ điều hành lần này được điều chỉnh đồng loạt giảm. Cụ thể, giá dầu diezel giảm 11 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành xuống mức 17.943 đồng/lít; Giá dầu hỏa giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành về giá bán mới 17.771 đồng/lít. Giá dầu mazut 180CST 3.5S sau khi được điều chỉnh giảm 275 đồng/kg có giá bán mới 14.883 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu diezel ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Cơ quan điều hành cũng quyết định không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Như vậy, với đợt điều chỉnh kể trên, giá xăng trong nước đã trải qua 2 lần điều chỉnh tăng liên tiếp sau 3 lần giảm trước đó. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 9 lần tăng, 6 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Liên quan đến xăng dầu, trước đó tại phiên làm việc ngày 23/5 của Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu vì quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
“Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là chưa phù hợp bởi thị trường xăng, dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường; quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (hiện là 10 ngày); lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng,” ông Lê Quang Mạnh cho hay.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thực tế cho thấy, khi giá xăng, dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu.
Tú Chi