Chiều nay là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ của liên Bộ Công thương – Tài chính. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 840 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.110 đồng/lít từ 15h ngày 11/11.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương – Tài chính, giá xăng E5 RON 92 lên mức 22.710 đồng (tăng 840 đồng), xăng RON 95-III là 23.860 đồng (tăng 1.110 đồng) một lít. Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu tăng giảm trái chiều. Cụ thể, dầu diesel là 24.980 đồng một lít, giảm 90 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.740 đồng/lít, tăng 960 đồng, dầu mazut tăng 680 đồng, có giá mới là 14.760 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công thương – Tài chính đã quyết định trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu mỗi lít xăng từ 200 đồng vào quỹ. Dầu DO và dầu hoả không trích lập cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn, còn dầu mazut trích lập 300 đồng.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 1/11, giá xăng E5 tăng 380 đồng/lít, lên 21.870 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá bán là 22.750 đồng/lít. Giá dầu diesel cũng tăng 290 đồng/lít, giá bán là 25.070 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa tăng 120 đồng, lên mức 23.780 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh trước, liên Bộ Công thương – Tài chính ngừng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời trích lập Quỹ với xăng E5 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut là 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu trong nước có nhiều biến động. Do ảnh hưởng từ nguồn cung và chiết khấu, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế. Người dân Hà Nội phải xếp hàng mới mua được nhiên liệu.
Liên quan đến thông tin này, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc thiếu xăng dầu cục bộ tại Hà Nội thời gian qua là do lượng tiêu thụ xăng dầu tăng đột biến. Ngoài nhu cầu của hơn 10,3 triệu dân Thủ đô, các doanh nghiệp còn phải gồng mình đáp ứng thêm một số khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận về TP Hà Nội mua xăng dầu. Điều này gây áp lực rất lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị nguồn lực của các doanh nghiệp kinh doanh xǎng dầu những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
Bên cạnh đó, một số cửa hàng xăng dầu trong khu vực nội thành dung lượng bể chứa nhỏ, nguồn dự trữ xăng dầu ít… trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hàng cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Tú Chi