Nếu đúng như dự báo của các doanh nghiệp xăng dầu thì ngày mai (11/2) sẽ là đợt tăng thứ ba liên tiếp của giá xăng từ đầu năm nay.
Theo lộ trình, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá xăng và dầu sẽ được điều chỉnh vào ngày mai (11/2). Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7/2 cho thấy, bình quân xăng RON 92 có giá 101,8 USD một thùng, giá xăng RON 95 ở mức 104,13 USD một thùng. Mức này tăng 7% so với kỳ điều chỉnh trước đó.
Ngày 10/2, dầu thô WTI của Mỹ nhích nhẹ, giao dịch ở ngưỡng 89,7 USD/thùng, dầu Brent lùi nhẹ, giao dịch ở ngưỡng 91,4 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch khuya 9/2, thị trường tăng nhẹ trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh. Giá dầu thô Brent tăng 0,9% lên 91,55 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 50 cent lên 89,66 USD.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu Hà Nội cho rằng, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục trong thời gian vừa qua. Trong kỳ điều hành này, giá xăng có thể điều chỉnh quanh mức 1.000-1.200 đồng/lít. Còn dầu tăng quanh mức 800-900 đồng/lít.
Nếu cơ quan chức năng vẫn quyết không để giá xăng, dầu tăng cao thì có thể vừa dùng quỹ bình ổn vừa tăng giá ở mức 600-700 đồng/lít.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21/1/2022, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng lên 23.590, RON 95 tăng 490 đồng đạt 24.360 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 17.790 đồng/lít, tăng 660 đồng. Dầu diesel là 18.900 đồng/lít, tăng 670 đồng. Dầu madut là 16.990 đồng/kg, tăng 630 đồng.
Trong nước diễn biến những ngày gần đây, sự việc một số cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh thành phía nam báo hết hàng, đóng cửa, hoặc bán hạn chế… khiến Chính phủ phải vào cuộc. Hôm qua (9/2), tại cuộc họp khẩn giữa các địa phương và Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh “phải truy đến cùng” khan hàng xăng dầu là do đại lý, cửa hàng không nhập được hàng hay còn hàng mà không bán, chờ tăng giá. Nếu còn hàng mà không bán thì phải rút giấy phép cửa hàng.
Theo Bộ trưởng, hiện tượng này đang chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu chúng ta không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ.“Không được chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đồng thời, kiểm tra thấy đầu mối nào trong 6 tháng vừa qua không nhập hàng thì phải xử lý đầu mối, điều chỉnh hoặc kiên quyết rút giấy phép. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu phải có báo cáo việc kiểm tra trước ngày 20/2.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3.
Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước trong trường hợp nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) dự kiến nhập khẩu thêm 26.000 m3 xăng và 42.000 m3 dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2. Tương tự, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.
Linh Nga