Chuyển tới nội dung

Giá xăng dầu lao dốc, giảm mạnh nhất trong 2 năm qua

Trượt khỏi mốc 100 USD/thùng, lần đầu tiên sau 2 năm, giá dầu thế giới có tuần giảm sâu nhất tới 13%, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố mở kho dầu dự trữ với lượng lớn nhất trong lịch sử, 180 triệu thùng trong 6 tháng.

Ngày 2./4, dầu thô WTI đóng phiên giao dịch cuối tuần mất 1,01% về 99,27 USD/thùng, dầu Brent mất 0,3% xuống 104.39 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,01% còn 99.27 USD/thùng.

Theo Reuters, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều đã giảm giá khoảng 13% trong tuần – mức giảm mạnh nhất trong hai năm qua. Như vậy, sau một tuần ngắt quãng, giá dầu đã quay lại đà “lao dốc”.

Giá dầu ngày 2/4 đồng loạt giảm mạnh trong bối cảnh áp lực thiếu hụt nguồn cung và triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu hạ nhiệt. Sau khi Mỹ thông báo sẽ mở kho dự trữ xuất 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng tới, tức khoảng 180 triệu thùng, ngày 1.4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) với Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm và các đồng minh của Mỹ có cuộc họp. Kết thúc, nhóm đồng ý xả mạnh kho dự trữ khẩn cấp nhằm hạ nhiệt giá dầu, nhưng chưa đưa ra khối lượng cam kết của mỗi nước. Chi tiết kế hoạch thế nào sẽ được IEA công bố vào đầu tuần tới. IEA với 31 nước thành viên, trong đó có Mỹ có tổng lượng dầu dự trữ trong kho khoảng 1,5 tỉ thùng.

gia-dau-giam

Hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều đã giảm giá khoảng 13% trong tuần – mức giảm mạnh nhất trong hai năm qua

Trước đó, cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, bao gồm cả Nga (OPEC+) đã quyết định duy trì kế hoạch tăng 432.000 thùng dầu/ngày từ tháng 5 để bổ sung nguồn cung.

Như vậy, nhiều quốc gia lớn, có ảnh hưởng đến thị trường dầu thế giới đã “vào cuộc” để kìm hãm đà tăng giá dầu. Một số nhà phân tích trên MarketWatch cho rằng, thị trường chờ đợi mức “xả kho” của các nước trong IEA giúp “giá dầu bớt nóng” trong tuần tới. Chuyên gia của JPMorgan cho biết việc giải phóng kho dự trữ không giải quyết thiếu hụt nguồn cung lâu dài và họ đã giữ nguyên dự báo giá không đổi ở mức 114 USD/thùng trong quý 2 và 101 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.

Trong nước, ngày 2/4, giá bán lẻ xăng dầu được niêm yết phổ biến: xăng E5 RON92 không cao hơn 27.309 đồng/lít, xăng RON95 không cao hơn 28.153 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.080 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 23.764 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.929 đồng/kg.

Thông tin Nga vẫn đang bơm khí đốt cho châu Âu theo những phần hợp đồng đã được thanh toán và việc áp dụng thanh toán bằng đồng Rúp sẽ chỉ diễn ra vào nửa cuối tháng 4 cũng phần nào giảm áp lực nguồn cung trên thị trường.

Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do đồng USD mạnh hơn trước kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Ngoài ra, lo ngại về một cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế và diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cũng tạo áp lực khiến giá dầu hôm nay lao dốc.

Lâm Tới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved