Theo thông tin từ Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), giá vật liệu xây dựng đang tăng cao, đặc biệt giá thép ghi nhận mức tăng lên đến 40% gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng xây lắp do đã chốt đơn giá vật liệu xây dựng từ trước.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho rằng, nếu các doanh nghiệp nhà thầu bắt buộc phải thi công theo hợp đồng với đơn giá cũ thì nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản là rất cao.

gia-cong-thep

Thời gian qua, giá thép xây dựng tăng đến 40% khiến các DN xây dựng lao đao

Thực trạng trên đang đặt ra nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa doanh nghiệp nhà thầu và chủ đầu tư khi doanh nghiệp nhà thầu có thể sẽ “án binh bất động” bởi nếu thi công sẽ lỗ và hậu quả là chủ đầu tư bị chậm tiến độ dự án.

Về trường hợp này, chia sẻ với phóng viên, một Luật sư đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc hòa giải tranh chấp giữa các doanh nghiệp cho rằng: Trường hợp giá VLXD tăng quá cao khiến doanh nghiệp nhà thầu nếu thực hiện hợp đồng đã ký kết có thể thua lỗ nặng có thể được xem là một trong những trường hợp “hoàn thành thay đổi cơ bản” để thỏa thuận, đàm phán lại hợp đồng theo như quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Vị Luật sư dẫn chứng theo khoản 1 điều 420 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì có quy định hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện gồm: Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; Tại thời điểm giao kết HĐ, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì HĐ đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; Việc tiếp tục thực hiện HĐ mà không có sự thay đổi nội dung HĐ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Theo phân tích của vị Luật sư, trường hợp nếu có tranh chấp giữa doanh nghiệp nhà thầu và chủ đầu tư liên quan đến HĐ đã ký kết liên quan đến việc giá VLXD tăng cao đột biến thì có thể xem xét áp dụng quy định “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” và khi đó, phía doanh nghiệp nhà thầu, tức bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý (theo khoản 2, điều 420 Bộ Luật Dân sự).

chung-chi-nang-luc-thi-cong-xay-dung-cong-trinh

Trường hợp giá VLXD tăng đột biến khiến DN nhà thầu nếu thực hiện HĐ có thể bị phá sản thì các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp (nếu có) thông qua tự đàm phán hoặc Tòa án

Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý thì theo vị Luật sư một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định, sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Một trong những điểm quan trọng mà vị Luật sư lưu ý các doanh nghiệp nhà thầu trong trường hợp có tranh chấp như trên là theo quy định trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Dưới góc độ doanh nghiệp xây dựng, theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình việc giá vật liệu xây dựng nói chung, đặc biệt là giá thép tăng đến 40% như là một “giọt nước tràn ly” khiến các doanh nghiệp nhà thầu vốn đã khó khăn do COVID-19 có thể lâm vào cảnh phá sản.

Do đó, theo chia sẻ riêng của vị Luật sư với phóng viên thì dù đã có quy định tại Luật Dân sự về việc xử lý khi có tranh chấp nhưng tối ưu nhất là các doanh nghiệp có thể ngồi lại với nhau, đồng hành để chia sẻ và vượt qua khó khăn còn việc đưa nhau ra Tóa án hay Trọng tài chỉ là bước đi sau cùng.