Giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn ở mức cao và trong xu hướng tăng trong bối cảnh đồng USD yếu và thế giới bất ổn vì đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tại châu Á tăng vọt.
Trên sàn Kitco giá vàng giao dịch ở mức 1780.6 – 1781.6 USD/ounce. Kim loại quý vẫn đang tận hưởng xu hướng tăng giá ngắn hạn trên biểu đồ hàng ngày, cho thấy con đường ít kháng cự nhất đối với giá sẽ vẫn đi ngang đến cao hơn. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 0,7 USD lên 1.778,40 USD/ounce.
Sự kiện kinh tế chính trong tuần sẽ là cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang (FOMC) bắt đầu vào sáng thứ Ba và kết thúc vào chiều thứ Tư với tuyên bố và sau đó là cuộc họp báo từ Chủ tịch Fed Powell. Mặc dù dự kiến sẽ không có thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ tại cuộc họp này nhưng thị trường sẽ xem xét chặt chẽ triển vọng lạm phát của Fed và bất kỳ nhận xét nào về đường đi của chính sách tiền tệ trong tương lai.
Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều qua đêm. Chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ tăng nhẹ. Các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang cân nhắc khả năng phục hồi của các nền kinh tế toàn cầu đang trỗi dậy từ đại dịch, nhưng cũng xem xét những rủi ro đang cao hơn khi COVID-19 vẫn đang hoành hành ở một số khu vực trên toàn cầu, bao gồm cả cuộc khủng hoảng lớn ở Ấn Độ. Điều này phần nào làm giảm sự nhiệt tình của các nhà đầu tư.
Lợi suất trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn hiện đang đạt khoảng 1,57%.
Về giá vàng tương lai, vàng được dự báo vẫn có triển vọng tích cực trong thời gian tới ngược với triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Theo Goldman Sachs, nhiều nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều được cho là sắp bước vào thời kỳ giảm tốc.
Theo Goldman Sachs, sự phục hồi của kinh tế Mỹ đang đạt đỉnh, với tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 10,5% trong quý này, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1978 nếu không tính mức tăng 33,1% đạt được trong quý III/2020, thời điểm các hoạt động kinh tế Mỹ bùng nổ sau thời gian tê liệt vì phong toả. Goldman Sachs dự báo kinh tế Mỹ “chậm lại một chút” trong quý III và “liên tục giảm tốc trong vài quý sau đó”.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 26/4 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giảm giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 26/4, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 55,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,60 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,52 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,50 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,53 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tỷ giá ngoại tệ ngày 27/4
Sáng 27/4, chỉ số Dollar Index (DXY), theo dõi đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ khác đang giữ mức 90,805.
Giá USD so với các ngoại tệ khác hiện đứng ở mức: 1 euro đổi 1,2079 USD; 1 bảng Anh đổi 1,3893USD; 1 USD đổi 107,88 yên.
Tỷ giá USD/JPY xuống gần mức thấp nhất kể từ ngày 4/3.
Đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục suy giảm và đứng ở mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua trước thời điểm Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có một cuộc họp chính sách. Theo kế hoạch, Fed sẽ tổ chức cuộc họp về chính sách tiền tệ trong hai ngày 27-28/4. Số liệu tăng trưởng trong quý I/2021 của nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ được công bố vào thứ Năm (29/4).
Đồng bạc xanh giảm sau khi có nhiều dự báo cho thấy triển vọng của nền kinh tế toàn cầu không mấy tươi sáng. Đồng USD suy yếu trong bối cảnh Trung Quốc thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số. Nhiều ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang đẩy mạnh quảng bá đồng NDT kỹ thuật số trước lễ hội mua sắm ngày 5/5.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 26/4, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 22.970 đồng/USD và 23.150 đồng/USD.
Tới cuối phiên 26/4, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 22.970 đồng/USD và 23.150 đồng/USD. Vietinbank: 22.940 đồng/USD và 23.140 đồng/USD. ACB: 22.960 đồng/USD và 23.120 đồng/USD.
Chốt phiên giao dịch 26/4, tỷ giá Euro đứng ở mức: 27.343 đồng (mua) và 28.484 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 31.550 đồng (mua) và 32.539 đồng (bán). Tỷ giá Yên Nhật ở mức 209,7 đồng (mua vào) và 218,5 đồng (bán ra). Nhân dân tệ được mua vào ở mức: 3.516 đồng và bán ra ở mức 3.627 đồng.
Minh Đức