Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và tập đoàn toàn cầu trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Ông Phùng Anh Tuấn – Phó Giám đốc công ty CP Manutronic Việt Nam cho biết:
Theo xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn trên thế giới. Sự chuyển dịch này tạo cho chúng ta cả cơ hội và thách thức.
Không chỉ Manutronic, các doanh nghiệp khác trong ngành điện tử có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sự chuyển dịch cũng đặt doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước trước một số thách thức. Các tập đoàn dịch chuyển từ những nước có cơ sở hạ tầng bài bản, có bề dày kinh nghiệm trong nhiều năm cũng sẽ đòi hỏi doanh nghiệp tham gia chuỗi phải đáp ứng một số yêu cầu cao.
Cụ thể, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng những yêu cầu cao từ phía đối tác như sản phẩm tích hợp công nghệ cao, có chất lượng và tối ưu; yêu cầu chi phí hợp lý phù hợp với tính chất và cạnh tranh của thị trường; yêu cầu tốc độ tiếp nhận và tiến độ giao hàng nhanh. Đáp ứng với yêu cầu này, chúng ta phải có nguồn nhân lực có năng lực để tiếp nhận và chuyển giao khoa học công nghệ các tập đoàn chuyển dịch sang Việt Nam.
Ngoài yếu tố trên, các tập đoàn, doanh nghiệp còn có xu hướng đưa ra yêu cầu, cam kết về tiêu chuẩn ESG. Thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu phải có bước đi bài bản, chỉn chu.
Từ những thách thức và cơ hội trên, bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố sống còn không chỉ với Manutronic mà với những doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp trong nước phải biết về hệ thống, có sự tích hợp toàn bộ trong chuỗi giá trị để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện và chăm sóc khách hàng.
Có thể nói, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng. Nói một cách khác, đây là một trong những giá trị cốt lõi có thể quyết định sự thành công và hội nhập, nắm bắt cơ hội trong xu thế chuyển dịch của các tập đoàn sang Việt Nam.
Để có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu, vai trò chủ động của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Là doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, từ đặc trưng sản phẩm và yêu cầu của khách hàng, chúng tôi đã xây dựng chuỗi giá trị và những mắt xích tạo sản phẩm. Trên cơ sở đó xây dựng khung năng lực cho từng vị trí công việc, mô tả công việc và ma trận đào tạo để có nguồn nhân lực theo yêu cầu của khách hàng, thị trường.
Ngoài ra, công ty đang thực hiện theo giải pháp 3B. Thứ nhất là xây dựng (build) chương trình đào tạo nội bộ, luân chuyển cán bộ nhân viên và tìm kiếm ứng viên nội bộ tiềm năng có thể đáp ứng được, chuyển giao đào tạo song song, đa ngành, nâng bậc kỹ thuật.
Thứ hai, tuyển dụng (buy) và thu hút nhân tài từ các kênh tuyển dụng để tìm kiếm ứng viên đáp ứng yêu cầu.
Thứ ba, mượn (borrow) và khai thác nhân lực trong chuỗi. Khi chuyển giao công nghệ, dự án, sản phẩm mới, trong một giai đoạn nhất định đối tác nước ngoài cử nguồn lực chất lượng cao nhất hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp nhận một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, chuẩn xác nhất để triển khai sản xuất hàng loạt.
Trong 20 năm hợp tác với các tập đoàn, khi tiếp nhận chuyển giao dự án, nhân sự của doanh nghiệp được học hỏi, học tập hơn. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng sự tín nhiệm trong hợp tác.
Hạnh Lê