Mặc dù giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm trên 3.000 đồng lít vào ngày 21/7, nhưng trên thị trường, giá hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm vẫn treo cao.
Theo khảo sát tại khu vực chợ Hà Đông (TP. Hà Nội) cho thấy, giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng “chóng mặt”, trong đó, giá thịt lợn hay còn gọi là thịt heo gần như “điều chỉnh tăng hàng ngày”. Cụ thể, sườn thăn có giá từ 160-175.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg; Sườn cục 140.000-150.000 đồng/kg, tăng 30.000-40.000 đồng/kg; Ba chỉ 170.000-175.000 nghìn đồng/kg, tăng 40.000-45.000 đồng/kg; Thịt vai 150.000-155.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; Thịt mông 110.000-120.000 đồng/kg, tăng 10.000-20.000 nghìn đồng/kg; Tai lợn 170.000-180.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg…
Mức giá này cũng phổ biến ở nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xa, chợ Cổ nhuế, chợ Cầu Giấy, Chợ Phùng Khoang, chợ Xốm, Chợ Long Biên….
Một số người chăn nuôi phía Nam cho biết, giá trứng gia cầm đang bán ra tại trại nuôi (ngoài chuỗi liên kết) với trứng gà công nghiệp phổ biến từ 2.400 – 2.800 đồng/quả, và vịt là 3.100 – 3.300 đồng/quả, tăng 13% so với tháng trước, và tăng 60% so với mức ổn định năm ngoái. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Tương tự, giá heo hơi bán ra tại chuồng ngày 21/7 phổ biến 68.000 – 73.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 2.000 đồng so với vài ngày trước đó, và là mức giá cao nhất trong nhiều tháng qua. Tương tự, giá gà công nghiệp (lông trắng) được người nuôi phía Nam bán ra tại chuồng (không thuộc chuỗi liên kết) hiện cũng neo cao kỷ lục với giá phổ biến 38.000 – 43.000 đồng/kg.
Giá xuất bán tại trại cao đẩy giá thịt heo bán ra tại nhiều chợ lẻ TP.HCM cũng đã tăng 5.000 – 15.000 đồng/kg so với hơn 1 tuần trước đó với 120.000 – 130.000 đồng/kg, ba rọi 155.000 – 162.000 đồng/kg, sườn non 210.000 đồng/kg… Giá trứng bán lẻ tại chợ cũng neo cao với trứng gà công nghiệp phổ biến 36.000 – 37.000 đồng/chục, trứng vịt 42.000 – 43.000 đồng/chục.
Theo nhiều chuyên gia, dưới ảnh hưởng của giá heo hơi tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan đang cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, nguồn thịt nhập khẩu giảm… dẫn đến giá heo, gà, trứng trong nước khả năng sẽ còn neo cao trong thời gian tới.
Hiện các loại củ quả vẫn đang duy trì ở mức cao như súp lơ có giá 60.000 đồng/kg, cà chua giá 30.000 đồng/kg, cà rốt 30.000 đồng/kg, khoai tây 25.000 đồng/kg… Một số rau xanh tăng khoảng 10% như rau muống từ 23.000 nay lên 25.000 đồng/mớ to, mùng tơi từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng/mớ…
Lý giải về sự tăng giảm của giá rau, chị Hà, tiểu thương chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng rau xanh tăng bởi lý do thời tiết không thuận lợi. “Tuần này mưa nhiều khiến rau xanh bị ngập úng, dập nát dẫn đến thiếu hàng nên giá tăng chứ chưa giảm theo giá xăng dầu được,” chị Hà cho hay.
Anh Cường, tiểu thương buôn bán thực phẩm ở chợ đầu mối cho biết lý do thực phẩm tươi sống, rau xanh khó giảm giá là chi phí vận chuyển chỉ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, các chi phí khác như nhân công, giết mổ, giao hàng, sản phẩm đầu vào hiện vẫn còn cao.
Theo một số các chuyên gia, giá hàng hóa giảm ngay sau điều chỉnh xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ bởi các nhà sản xuất, nhà bán lẻ hàng hóa cần thời gian để điều chỉnh. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào mỗi giá xăng, dầu.
“Giá xăng, dầu chỉ tác động mạnh đến ngành vận tải bởi nó chiếm tỷ trọng khoảng 30% chi phí ngành này. Đối với ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,48% chi phí. Nếu xăng, dầu tăng 10% thì giá hàng hóa chỉ tăng khoảng 3%,” chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết.
Tuy vậy, việc giá xăng dầu giảm mạnh sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí, chi tiêu cho nhiên liệu của doanh nghiệp và người dân.
Phương Anh