Ai cũng có lý lẽ riêng của mình để góp phần ổn định giá cả một mặt hàng rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân.

Giá lợn hơi đã chạm mốc 93.000 – 95.000đ/kg vào những ngày đầu tháng 5.

Một số ý kiến cho rằng, cần phải từng bước hạ giá thịt lợn hơi ở các tập đoàn chăn nuôi lớn đang chiếm đến 35-40% thị phần, kết hợp với tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm bớt tầng lớp trung gian đã đẩy giá bán lẻ lên, hoặc cao hơn có thể áp dụng biện pháp bình ổn giá để kiểm soát giá mặt hàng này.

Lại có ý kiến, chỉ giải quyết giá ở khâu chăn nuôi lớn phải hạ xuống, còn các khâu trung gian thì vẫn giữ nguyên. Gần đây còn có thêm một loại ý kiến, cứ để giá thịt lợn vận hành theo quan hệ cung – cầu rồi dần dần sẽ đến lúc ổn định về giá. Mỗi người có một lý luận riêng của mình về giá thịt lợn.

Riêng đối với ý kiến của Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, ngoài việc giảm dần giá thịt lợn hơi ở các tập đoàn lớn cho đến giá 60.000đ/kg, nếu các doanh nghiệp không chịu giảm sẽ có những biện pháp mạnh hơn, như xem xét các hỗ trợ của nhà nước và nhập thêm hàng trăm nghìn tấn thịt vào để tăng thêm áp lực hạ giá ngoài thị trường.

Nhưng thực tế tình hình ra sao? Sau khi có ý kiến mạnh mẽ từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cũng như dư luận xã hội, mặc dù giá lợn hơi ở một số tập đoàn chăn nuôi có giảm, nhưng thực tế giá bán lẻ ở chợ và siêu thị hầu như không giảm, thậm chí có thời điểm còn tăng cao hơn trước.

Mấy ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, giá lợn hơi đã chạm mốc cao nhất, tới mức 93.000 – 95.000đ/kg. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý, theo yêu cầu của Chính phủ thì cần phải làm rõ chênh lệch giá, lợi nhuận, nộp ngân sách của từng khâu, từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ là bao nhiêu để báo cáo, xong cho đến nay đã qua gần 1 tháng nhưng số liệu vẫn chưa được công bố.

Thực tế, vấn đề hạ giá thịt lợn trên thị trường hiện nay đang cao vô lý là một vấn đề khó. Song, nếu không có những giải pháp hiệu quả để giá thịt lợn neo cao kéo dài nhiều tháng thì một mặt đời sống của các tầng lớp dân cư lại càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mặt khác, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4% do Quốc hội đề ra có thực hiện được hay không?

Chính phủ đã chỉ rõ, với giá thành sản xuất 1kg thịt hơi chỉ 43.000-45.000đ, nhưng bán ra 70.000 – 75.000đ thì hưởng lợi nhuận một cách quá đáng. Người đứng đầu Chính phủ nói: “Chúng ta hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xong phải phân bố lợi nhuận các khâu từ sản xuất tới tiêu dùng một cách hợp lý”.

Theo quan điểm cá nhân tôi, từ những ý kiến của Chính phủ và việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đang bị vi phạm, bảo vệ lâu dài cho sản xuất chăn nuôi trong nước, góp phần giảm lạm phát trong năm 2020. Chính phủ cần tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyết định giảm giá thịt lợn ở các tập đoàn chăn nuôi lớn, đồng thời đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá để kiểm soát được giá cả, đi đôi với việc nhập khẩu thêm thịt lợn, tăng mạnh việc tái đàn nhằm giảm bớt những khó khăn trong giai đoạn này.

Không nên để giá thịt lợn cao “vời vợi” một cách vô lý, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hưởng lợi nhuận hàng nghìn tỷ mà một phần không do công sức của họ bỏ ra. Một khi chúng ta đã nhìn thấy rõ ràng những bất hợp lý của việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi sản xuất phân phối mà không can thiệp một cách mạnh mẽ và dứt điểm thì chúng ta đã có lỗi với người tiêu dùng xã hội.

Tôi mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành cần lắng nghe thấu đáo và có những chỉ đạo, quyết sách đúng đắn và kịp thời trong thời gian tới để góp phần vào ổn định giá cả một cách hợp lý, không để những tình trạng vô lý về giá cả diễn ra ở trên thị trường nội địa Việt Nam như hiện nay.

Được như vậy chính là đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Việc gì thấy có lợi cho dân thì phải làm”, góp phần vào việc minh bạch công khai trong giá cả, công bằng xã hội sẽ được hoàn thiện hơn, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020 và những năm tiếp theo.