Sau đợt điều chỉnh tăng ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 30/1, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục thông báo tăng giá sản phẩm thép xây dựng với mức tăng từ 460.000-710.000 đồng/tấn.
Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina… đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000 – 400.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Ở lần điều chỉnh này, thép Việt Nhật là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 710.000 đồng/tấn với hai loại thép thanh vằn D10 CB300 và CB240 đều lên 15,58 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 210.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 15,15 triệu đồng/tấn và 15,23 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh tăng thép thanh vằn D10 CB300 và thép cuộn CB240 ở mức 210.000-410.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,17 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn với hai loại thép CB240 và D10 CB300 lên 15,1 triệu đồng/tấn và 15,2 triệu đồng/tấn. Thép Việt Đức cũng điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn lên 14,9 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn với 2 loại thép trên.
Mặc dù, giá thép trong nước đã được các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng, nhưng không xuất phát từ nhu cầu thị trường, mà nguyên nhân chính là từ việc giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao.
Đánh giá về thị trường thép trong năm 2022 vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng là một năm đầy thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ. “Ngành thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý 2/2023”, VSA nhận định.
Phân tích về triển vọng ngành thép năm 2023, một số công ty chứng khoáng cũng đưa ra nhận định, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng… Kỳ vọng của ngành thép năm 2023 là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.
Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nói chung, ngành thép vẫn khó khăn trong nửa đầu năm 2023.
Mai Anh